thể nói bị mất các phi công chiến đấu ưu tú cùng một lúc là tổn thất lớn đến
độ nào. Trong khi đó, phần lớn các tàu của Hạm đội liên hợp đều neo đậu
an tĩnh ở đảo Truk, điều động một hoặc hai chiếc tàu khu trục vòng quanh
bảo vệ phi công chẳng phải tốt hơn sao. Chắc hẳn các vị chỉ huy trên cao
nghĩ rằng phi công là thứ muốn bao nhiêu cũng thay thế được.
Rabaul là một hòn đảo xinh đẹp. Mặt biển xanh trong nhìn như xuyên
thấu tận đáy. Bên bờ biển là những hàng cọ rậm rạp, xa xa có thể nhìn thấy
bóng dáng của núi lửa.
Trước chiến tranh có một thị trấn cổ gần sân bay, vẫn còn sót lại nhiều
ngôi nhà mà người phương Tây từng sống. Nhưng ngoài thị trấn đó ra, hòn
đảo gần như được thiên nhiên bao bọc. Gọi là sân bay nhưng nó giống một
bình nguyên rộng lớn. Khi bọn ta đến thì vẫn chưa có máy bay, chỉ có vài
chiếc thủy phi cơ trong vịnh. Tại Rabaul có một cảng tự nhiên, sau này trở
thành nơi neo đậu tàu thuyền.
Ta thấy như mình vừa đặt chân đến chốn thiên đường của Nam Hải
vậy. Dù nằm mơ ta cũng không thể nghĩ rằng vùng đất này sau sẽ được gọi
là mồ chôn các phi công.
Sau đó, Reisen được chuyển đến bằng Kasuga Maru, chiếc tàu được
cải tạo thành tàu sân bay. Bọn ta đã đi nhận những chiếc phi cơ đó. Lần đầu
tiên trong đời ta được trải nghiệm việc cất cánh từ tàu sân bay. Việc đó dễ
dàng hơn ta tưởng.
“Tàu sân bay cũng không phải thứ ghê gớm lắm.” Khi trở về Rabaul ta
nói với một tiền bối hạ sĩ quan.
“Những lời đó hãy để dành sau khi hạ cánh hẵng nói.” Anh ta lập tức
trả lời gay gắt.
Khi đó ta nghĩ, chắc anh ta chỉ đang cố ra vẻ đàn anh thôi. Thế nhưng
không lâu sau, khi trở thành thành viên phi đội mẫu hạm, ta mới được nếm
trải sự kinh hãi của việc hạ cánh trên tàu.
Sau đó, bọn ta di chuyển từ Rabaul sang căn cứ xa hơn về phía Nam là
Lae thuộc Guinea. Đây cũng là căn cứ tiến công đánh chiếm cảng Moresby
thuộc New Guinea. Rabaul cách Moresby hơn 400 hải lý, dù với Reisen, đó
cũng là một quãng đường gian nan. 400 hải lý tương đương với 700 km.