Lae còn hoang vắng hơn cả Rabaul. Trước chiến tranh, nơi này từng
có một thị trấn nhỏ của người Úc. Cuộc tấn công của quân ta vừa diễn ra đã
đốt cháy gần như cả thị trấn. Tuy vậy, sau đám cháy vẫn sót lại vài gian
nhà. Phi hành đoàn bọn ta kê vài chiếc giường đơn giản vào các căn nhà đó
làm nơi ở.
Cảng Moresby nằm ở phía Nam dãy Owen Stanley, cũng thuộc New
Guinea. Bọn ta ngày ngày yểm trợ cho các Chuko, vượt biển đánh chiếm
Cảng Moresby. Chuko là loại máy bay ném bom tầm trung hai động cơ.
Vào lúc đó, chủ lực là máy bay ném bom từ căn cứ mặt đất kiểu số Một có
bảy người ngồi. Hạm đội không quân chủ lực ở Cảng Moresby là máy bay
Anh-Mỹ. Ở đó, bọn ta giao chiến với máy bay chiến đấu của Anh-Mỹ gần
như hằng ngày.
Lần đầu tiên ta được trải nghiệm thực chiến là khi đảm nhiệm vị trí
thứ ba của Tiểu đội Ba trong một trận không kích Cảng Moresby. Khi đó,
tiểu đội máy bay chiến đấu của Nhật tổ chức theo đội hình ba chiếc, trong
đó tiểu đội trưởng sẽ cùng hai chiếc phi cơ chiến đấu. Nhiệm vụ của ta là
khống chế không phận của căn cứ địch.
Trên bầu trời Moresby, tiểu đội trưởng đột nhiên xoay vòng gấp, chiếc
thứ hai cũng xoay theo gần như cùng lúc. Ta hoảng hốt bám theo, nhưng
chiếc thứ hai di chuyển quá nhanh, chẳng mấy chốc ta đã bị bỏ lại. Toàn
trung đội bắt nhịp chuyển động rất gấp. Ta hoàn toàn không hiểu tại sao lại
phải di chuyển nhanh đến mức đó. Tuy nhiên, ta chỉ có thể đuổi theo tiểu
đội trưởng. Thời đó, trên chiếc Reisen có trang bị máy điện đàm, nhưng nó
là thứ hoàn toàn vô dụng. Bọn ta chiến đấu bằng tâm ý tương thông nhưng
cũng có giới hạn. Nếu lúc đó có điện đàm tốt thi có thể chiến đấu thoải mái
rồi đúng không?
Máy bay của tiểu đội trưởng và chiếc máy bay số hai cứ bay lên bay
xuống. Ta gắng sức đuổi theo. Sau vài phút, cuối cùng đã vào đường bay
ngang. Sau mọi nỗ lực ta đã bắt kịp tiểu đội.
Ta trở về căn cứ địa mà vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, sau đó mới
được biết ở đó đã nổ ra trận không chiến đầu tiên giữa ta với địch.