Quê hương tìm đến
Vài ngày sau, chị Loan gõ cửa phòng. Em chị là Chí, người bạn
nối khố từ nhỏ của tôi từ trường tiểu học đến khi đậu Tú tài 2. Chị
qua Mỹ tu nghiệp và đi xe buýt cả 10 tiếng để đến thăm tôi. Tôi
hồn nhiên hỏi thăm về Chí. “Nó hy sinh ở chiến trường Bình Giã
hai tháng trước rồi em.” Tôi lặng người. Chị kể thêm về anh Quang,
người yêu sắp cưới của chị, cũng đã gục ngã ở Quảng Nam. “Em còn
nhớ con Thu Anh?” Ai mà không nhớ, hoa khôi Trưng Vương, niềm
yêu thầm nhớ trộm của cả nhóm học sinh Petrus Ký lẫn Chu Văn An.
Chúng tôi cứ nghĩ là ông nhạc sĩ nào đặt bài “Trưng Vương khung cửa
mùa thu” là để dành riêng cho nàng. “Con bé đi thăm chồng đóng
quân ở Pleiku, khi về, xe bị trúng mìn, nó cũng chết rồi em ạ”. Sau
một tiếng, tôi không nhớ được con số bạn bè đã ra đi hay tàn phế.
Trên cả sự chết chóc là một nỗi niềm tuyệt vọng vô bờ của lớp người
trẻ đã lớn lên cùng tôi.
Đêm đó mưa xuân, nhẹ nhưng rả rích cả đêm. Tôi và chị ngồi co
ro ngoài hiên nghe hơi gió hú. Suốt đêm không ngủ, nhưng hai đứa
cũng không nói lời nào. Cái thanh bình riêng biệt mà tôi tự tạo mấy
năm qua để quên đi những quằn quại của quê hương ngàn dặm giờ
đang bị chị Loan xô đẩy. Cái hạnh phúc bé nhỏ của thế giới mới tôi
đang an hưởng đã bị gánh nặng của ký ức và thực tại đè chìm. Tôi đã
sống như trong một cơn mơ. Và đến giờ phải tỉnh giấc.
Bài hát ngày xưa
Tháng sau, tôi rời bỏ công việc mới, người tình mới, căn nhà thuê
mới… khăn gói về lại Việt Nam. Tôi hoàn toàn không có ảo tưởng
hay tham vọng gì về tiền bạc, quyền lực hay sự nghiệp. Tôi cũng
chắc chắn là mình sẽ không thay đổi được điều gì, tốt hay xấu,