Sau cùng, một doanh nghiệp phải có nghĩa vụ với cộng đồng xã
hội chung quanh. Nếu không tạo ra một đóng góp giá trị nào, ít
nhất doanh nghiệp cũng phải tôn trọng môi trường sinh hoạt của
người dân và gia đình họ. Những tệ nạn gây ô nhiễm trong không khí,
trên sông biển, thấm vào các mực nước ngầm, việc xử lý rác thải,
rác y tế nguy hiểm, tiếng ồn và an toàn giao thông… là những kỷ
cương không những chỉ quan trọng trên phương diện pháp lý mà còn
là một nghĩa vụ để thể hiện đạo đức của doanh nghiệp.
Một tấm gương khác để doanh nghiệp soi mặt mình là không lừa
bịp hay coi thường khách hàng bằng những quảng cáo sai lạc, giả
dối, những hàng nhái thương hiệu, những khuyến mãi bịp bợm,
những PR tạo sốc không cần thiết hay vu khống về đối thủ.
Nói tóm lại, trên luật pháp của người còn có luật pháp của “trời”.
Của cải, danh vọng, ngay cả quyền lực, đều là tạm bợ. Chúng ta chỉ
hạnh phúc và doanh nghiệp chỉ có thể “thành công” khi chúng ta tuân
thủ luật trời, dựa trên bất cứ tín ngưỡng hay niềm tin nào.
Trong khi doanh nhân thường than phiền về cơ chế hay thủ tục
lỗi thời của chính phủ, về thị hiếu sính ngoại hay ham rẻ của khách
hàng, về điều kiện suy thoái của kinh tế toàn cầu… chúng ta cũng
cần nhìn lại chính mình để khắc phục những yếu kém căn bản
trong quá trình đổi mới để cạnh tranh…
20 tháng 09 năm 2012