sáng tạo, của sự vận hành. Họ dám lao vào lĩnh vực trái ngành vì nhìn
vào ngắn hạn, thấy có mối quan hệ nọ kia và cứ thế đầu tư.
Thông tin về thị trường rất kém, họ không cần biết nhiều
lắm về khách hàng. Họ nghĩ có quan hệ là sẽ thắng được đối thủ.
Nhiều người đầu tư theo đám đông, bầy đàn. Khi thấy vài người
kiếm được tiền trong chứng khoán thì nhà nhà lên sàn chơi. Nhưng
khi chứng khoán đi xuống, lại thấy nhiều người kiếm bộn từ địa
ốc thì lại ào ào đổ vào bất động sản…
◆ Nhưng đầu tư đa ngành cũng phải có những lợi thế nhất
định chứ?
− Tôi không thấy có lợi thế nào. Một anh chuyên làm thực phẩm
mà đòi mở trường đại học, anh làm khoáng sản lại đi mở khách sạn…
Người nước ngoài họ nghe những câu chuyện này thấy rất buồn
cười, khôi hài bởi có biết gì đâu mà làm.
Đầu tư đa ngành kiểu này giống như nhét người bệnh vào ở
cùng người khỏe, để cho người khỏe lây bệnh theo. Con bệnh không
thể vì ở với người khỏe mà hết bệnh được. Lấy tiền của người mạnh
đem chia cho người yếu thì cũng sẽ yếu thôi. Nếu doanh nghiệp đã
tốt thì nên đầu tư để khuếch trương lĩnh vực kinh doanh cốt lõi
thay vì đi nuôi nhiều công ty con yếu. Nguyên tắc kinh doanh căn
bản là không ném đồng tiền tốt vào cùng với những đồng tiền
xấu.
◆ Nhiều doanh nghiệp lớn, có tiềm lực đã phát triển lĩnh vực
cốt lõi của mình ở một mức nhất định nhưng muốn đầu tư thêm
vào các ngành phụ trợ, bổ sung cho lĩnh vực chính. Vậy ông có lời
khuyên gì cho họ?