Vào cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, chiếc giường đó không hề
rẻ. Sau một hồi mặc cả, bố anh nhượng bộ, nói rằng không cần đưa phong bì
nữa, nhưng giường thì phải có.
Ông ta tính rất kĩ. Tủ lạnh là hồi môn của vợ cũ, vẫn còn dùng tốt, không
cần đổi. Xô pha, tủ trang điểm, tủ quẩn áo nhà vợ mới cho, không cần bỏ
tiền ra mua. Nếu ngay cả giường cũng có người mua cho thì ông ta chỉ cần
chi tiền để quét vôi lại nhà cửa, mời khách ăn cơm, mua kẹo cưới, rượu cưới
để biếu sau là được.
Đám cưới này rất tiết kiệm.
Mục Dục Vũ mãi mãi không bao giờ quên cái ngày bị bà cô đưa đi, lúc đó
anh chưa đầy tám tuổi. Với trí tuệ của một đứa trẻ, anh hiển nhiên không
hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tuy đêm trước đó, bố đã nói với anh rằng sau này
anh sẽ trở thành con của người ta, nhưng anh vẫn không hiểu nổi tại sao chỉ
vì một câu nói mà từ đó về sau anh lại phải rời xa ngôi nhà của mình, phải
sống chung với người lạ?
Rõ ràng cách đây chưa lâu, anh vẫn còn ở trong ngôi nhà đó, còn làm nũng
với mẹ, còn gọi người đàn ông kia là bố, nhưng bây giờ anh lại sắp phải làm
con nuôi của người khác, không còn quan hệ gì với ngôi nhà đó nữa, anh
phải đến một nơi khác, ngay cả họ cũng phải đổi, biến thành một kẻ khác.
Anh không hề thích cái tên mới, anh rất sợ nơi xa lạ đó, sợ một cuộc sống
chưa biết sẽ thế nào.
Nhưng với những người lớn sắp bước vào một cuộc sống mới thì cảm
xúc của một đứa trẻ rõ ràng quá nhỏ bé, chẳng đáng để bận tâm. Bố anh rất
thỏa mãn vì cuối cùng cũng thoát khỏi vận xui và chuẩn bị nghênh đón
cô dâu mới, cuộc sống mới. Cô của anh tuy xót tiền mua giường nhưng vẫn
vui vẻ, vì từ giờ bà đã có con, đứa bé này là ai không quan trọng, quan trọng
là cuối cùng bà cũng có con, điều này sẽ giúp bà thoát khỏi cảnh bị người
đời thương hại, chế giễu và trở thành một người đàn bà bình thường.