Lưu Bị bèn hạ lệnh Trương Phi từ Hán Trung dẫn hàng vạn quân đến Giang
Châu, đợi ông ta sẽ ngự giá thân chinh cùng thảo phạt Đông Ngô.
Gia Cát Lượng trong lòng có trăm mối tơ vò, song ông ta hiểu rõ cá tính
Lưu Bị, có hết sức khuyên can cũng vô tác dụng, bởi thế mà đau đầu không
thôi.
Trái lại tướng quân Triệu Vân lại hay nói thẳng, trong lúc các đại thần đều
không dám can gián, là người đã cùng với Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi có
mấy chục năm thân thiết, hơn nữa lại chịu hy sinh cá nhân, lão tướng Triệu
Vân đành đứng ra làm người can gián sau cùng: “Quốc tặc là Tào Tháo,
không phải là Tôn Quyền, nếu như đã diệt được Tào Tháo, Tôn Quyền sẽ tự
nhiên khuất phục. Trước mắt Tào Tháo tuy đã chết, Tào Phi thoái vị, nhân
tâm thiên hạ không phục, nếu chúng ta nhân cơ hội này, tiến công Quan
Trung, chiếm cứ Hoàng Hà và thượng du Vị Thủy, lại thảo phạt nghịch tặc
thì ở vùng Quan Đông, những kẻ sĩ trung thành với nhà Hán ắt sẽ phản lại
họ Tào, xách cơm dắt ngựa đến đón chúng ta.
Nếu quên lãng việc đánh Ngụy, lại mang quân đánh Ngô vốn là bạn đồng
minh, là rất bất lợi, huống chi chiến trận đã nổ ra, chẳng dễ thu lại, tuyệt đối
chẳng phải kế sách mà kẻ sáng suốt vận dụng!”.
Lưu Bị cho rằng Triệu Vân không hiểu mình, rất không vừa lòng, song
Triệu Vân là bạn cũ, có chiến tích lớn, Lưu Bị tuy giận mà không nỡ trách
cứ, huống chi lời nói của Triệu Vân lại khá có lý.
Học sĩ Ích Châu là Tần Mật cũng can gián thêm, dùng thiên văn để khuyên
Lưu Bị chớ vội chinh phạt Đông Ngô, Lưu Bị nghe nói giận lắm, cho rằng
Tần Mật nhiễu loạn quân tâm, bèn cho tống giam trị tội. May mà Gia Cát
Lượng sau đó cố gắng khuyên can, xin cho Tần Mật nên mới được tha tội.
Từ đấy chẳng có ai có biểu hiện phản đối nữa. Lưu Bị lệnh cho Gia Cát
Lượng giúp thái tử trấn giữ Thành Đô, tự mình chọn ngày tốt dẫn quân
chinh phạt Đông Ngô.