để Tang Ca gia nhập trận tuyến phản loạn, cho thấy công việc vỗ yên lúc
đầu của Gia Cát Lượng đã thất bại hoàn toàn.
4. Đánh ngoài ắt trong phải ổn, Gia Cát Lượng quyết nam chinh
Sách lược chiêu phủ mà không trừng phạt, trước sự phản loạn toàn diện ở
Nam Trung, đã đến lúc cần phải xem xét triệt để hơn.
Lúc mới bắt đầu, Gia Cát Lượng đã phái Đô hộ Lý Nghiêm thay mặt cho
triều đình để đàm phán với Ung Khải, Lý Nghiêm đã viết nhiều bức thư nói
rõ lợi hại để Ung Khải hiểu ra. Tuy sách lược tựa hồ vẫn thiếu một cách
nghĩ có tính đột phá, song Lý Nghiêm là đại thần gần kề với Gia Cát Lượng
đã xem trọng việc chiêu hồi Ung Khải. Ung Khải chẳng tiếp thu chút nào,
ông ta viết thư trả lời rằng: “Trên bầu trời không có hai mặt trời, một đất
nước chẳng thể có hai vua, nay thiên hạ chia ba theo thế chân vạc, khiến
cho người xa nghi ngờ, chẳng biết theo về đâu”.
Vương triều nhà Hán đã mất, mọi người đều có thể xưng đế xưng vương,
như vậy quyền độc lập chẳng phải là tội ác gì. Khá thấy Ung Khải chẳng
phải muốn theo Đông Ngô, mục đích thực sự của ông ta là độc lập tự chủ,
cát cứ xưng vương.
Song biểu hiện bề ngoài, Ung Khải vẫn tự nhận mình là Thái thú Vĩnh
Xương được Tôn Quyền ủy nhiệm, thậm chí có ý đánh chiếm Ích Châu.
Đến lúc Chu Bao giết Thường Phòng, dân quận Tang Ca hưởng ứng theo,
Ung Khải lập tức liên hệ với Cao Định đang xưng vương ở Việt Huề cùng
phối hợp ở phía đông và phía bắc để giáp kích quận Vĩnh Xương.
Công tào Lã Khởi và Phủ thừa Vương Kháng, cậy hiểm cố thủ, thề chết
không đầu hàng. Ung Khải và Cao Định đành phát động đại quân bao vây
quận Vĩnh Xương trùng trùng điệp điệp. Vĩnh Xương ở phía tây Ích Châu,
trải qua sự phong toả chặt chẽ, hoàn toàn bị cắt đứt liên hệ với triều đình
Thục Hán.