- Trước kia cũng như hiện nay, tôi cho rằng trong cách mạng Nga có
một đường lối duy nhất đúng là đường lối Lênin. Và chúng ta càng mau
hiểu ra điều ấy thì cách mạng Nga càng chóng thành công.
Cho đến nay, Pêchya vẫn tưởng những người lưu vong chẳng qua là
những người nghèo kỳ quặc, bất đắc dĩ phải lang thang nơi đất khách quê
người sau khi cách mạng thất bại, nhưng bây giờ lần đầu tiên nó cảm thấy
hoàn toàn rõ ràng rằng họ là một lực lượng tuyệt nhiên không thể coi
thường được. Thì ra họ có những trường Đảng, có những ban chấp hành
trung ương, những nhóm giúp Đảng, những cuộc họp toàn thể. Họ in nghị
quyết của họ. Mặc dù cách mạng một nghìn chín trăm linh năm thất bại,
nhiều người trong bọn họ chẳng những không hạ vũ khí mà trái lại còn
chuẩn bị cho cuộc cách mạng mới. Thì ra họ có một người lãnh đạo là
Lênin - Ulianốp, có lẽ chính là người nhận lá thư mà Gavrik nhờ Pêchya
gửi hộ. Đã mấy lần Pêchya nghe thấy cái tên Ulianốp. Thằng bé cố tưởng
tượng ra con người ấy, con người ngồi ở Lônggiuymô gần Pari và chuẩn bị
cho cuộc cách mạng mới ở Nga.
Bây giờ, mỗi khi gặp những người lưu vong trong xe lửa hay ở ga, nó
tin chắc rằng họ đi đến Pari, đến trường Đảng của Ulianốp ở Lônggiuymô.
Cố nhiên những người lưu vong mà Măcxim Gorki đi tiễn ở sân ga Naplơ
cũng đến đấy, trong đó có người đàn bà đeo băng tang và cô bé đã nhìn
Pêchya một cách hết sức khẩn khoản và nghiêm khắc vào lúc xe lửa chuyển
bánh và hạt than bay vào mắt thằng bé.
XXIX
TINH YÊU “SÉT ĐÁNH”