hơn. Còn về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp ông chăm nom vườn tược,
ơn trời, vụ anh đào của ông đã thu hoạch xong và bán được giá, nhưng sắp
tới còn mận, táo, lê. Còn nho nữa, kể thì không nhiều, nhưng cũng không
tốn ít công sức. Chỉ riêng gia đình ông không đảm đương nổi công việc
này. Vậy thì thế này: Ông giúp chúng tôi; chúng tôi giúp lại ông.
Vaxili Pêtrôvits cứ yên trí hoạt động sư phạm của ông đã chấm dứt,
nhưng bây giờ đột nhiên trong lòng ông rộn ràng vui sướng đến nỗi lúc đầu
ông khó cầm lòng được. Thậm chí ông nhanh nhẹn xoa tay, cặp mắt kính
sáng lên ánh mắt của ông thầy: “Anh cứ nói tiếp đi, nói tiếp đi...”
Nhưng chợt nhớ tới tất cả những nỗi đau khổ và nhục nhã gắn liền với
nghề dạy học của ông, ông cụt hứng ngay.
- Ồ, không! - ông nói. - Không! Không! Gì thì gì chứ dạy học thì
không! Tôi chán việc ấy lắm rồi! - vẻ van vỉ lộ rõ trên mặt ông, và ông bẻ
ngón tay răng rắc. - Vì Chúa, riêng về chuyện đó thì miễn cho tôi! Tôi đã
thề... Vả lại, nhà giáo quái gì tôi, làm ở đâu tôi cũng bị đuổi ra. - ông nói
bằng giọng chua xót.
- Chúa phù hộ chú, Vaxili Pêtrôvits, chú nói gì vậy! - bà chị hoảng sợ.
- Không phải chúng đuổi ông, mà chúng ăn thịt ông. - Têrenti lên
tiếng. - Ông mắc ngang cổ họng các ngài ấy, thế là nói một cách đơn giản,
họ nuốt chửng ông, có thế thôi. Chúng tôi cũng mắc ngang cổ họng họ, có
điều họ không nuốt nổi chúng tôi. Cái xương cứng quá, răng họ không nhá
nổi. Ngay đến năm linh năm họ cũng không triệt nổi chúng tôi. Còn năm
mười hai này thì lại càng không thể được. Vậy mà ông nói lạ quá. - Têrenti
thêm một câu trách móc, mặc dù ông Vaxili Pêtrôvits chẳng nói gì, chỉ liếc
nhìn anh, cố hiểu xem có thể có mối liên quan như thế nào giữa năm linh
năm, năm mười hai và cái số phận hẩm hiu ghê gớm của ông.
- Không, - ông nói, giọng đã bớt kiên quyết hơn, - những điều ông nói,
có lẽ cũng đúng trong chừng mực nhất định, nhưng không vì thế mà tôi
cảm thấy dễ chịu hơn... - Ông còn muốn nói thêm rằng tốt hơn hết là ra