Thế nhưng mọi chuyện trên thực tế lại không hề lạc quan như vẻ bên
ngoài của nó.
Đúng lúc tiếng bước chân của Eumenides vừa biến mất thì ở hiện
trường thi hành án tử của hắn, trong số ba người nằm trong vũng máu kia
bỗng có một người động đậy.
Không ngờ là lại có người vẫn chưa chết!
Người đó giãy giụa, lăn lộn dưới đất, đôi tay đã bị trói chặt cứ thế mò
mẫm trên mặt đất. Một lát sau anh ta tìm thấy mục tiêu của mình cần. Đó là
một mảnh kính vỡ. Anh ta nhặt lấy mảnh kính vỡ đó và ra sức cứa sợi dây
ga giường đang trói chặt tay mình. Khoảng hai, ba phút sau dây trói cuối
cùng cũng bị cứa đứt, đôi tay anh ta cũng được tự do. Người đó lập tức
dùng một tay để đỡ toàn thân, tay kia vội vã kiểm tra vết thương trên cổ
họng.
Vừa mới chạm tay vào đã có cảm giác vết thương vừa rộng vừa sâu và
vẫn đang chảy máu, cũng may là động mạch chủ vẫn còn nguyên vẹn. Kẻ
may mắn sống sót biết được tính mạng mình vẫn giữ được, không kìm
được ngẩng đầu lên trời mà cười. Nhưng khí quản của anh ta đã bị thương,
vừa mới hít vào một hơi đã bị nhiễm gió lạnh, tiếng cười không thoát ra
được thay vào đó là một tràng ho dữ dội.
Sau cơn ho ấy người đó lảo đảo đứng dậy. Thân hình anh ta gầy gò ốm
yếu. Anh ta chính là Hàng Văn Trị, kẻ cuối cùng chịu hình phạt của
Eumenides.
Để có thể thoát khỏi cái chết từ sự trừng phạt của Eumenides, Hàng
Văn Trị đương nhiên không chỉ dựa vào may mắn. ánh sáng của sự sống đã
xuất hiện ngay trong thời khắc sinh tử cuối cùng ấy giúp cho Hàng Văn Trị
có được cơ hội đọ sức với đối thủ.