Năm 2000 không mang lại cho tờ báo chúng tôi tin tức gì... ngoại
trừ bộ phim Titanic. Phải, Titanic. Số Fager 2000 có được vận may
bất ngờ khá ngoại đạo. Anh Daoud mang cho chúng tôi một tấm
poster Leonardo DiCaprio. Anh thậm chí còn tìm được một cuốn
băng bộ phim này được tuồn vào từ Pakistan. Các cửa hàng bày bán
những món đồ lặt vặt ăn theo Titanic ở dưới lòng sông Kabul cạn
khô vào mùa hạn hán biến thành một cái chợ như các năm khác.
Chợ đen cuồng lên với Titanic. Phong cách Titanic trở thành
mốt ở khắp mọi nơi, nhất là trong các hiệu cắt tóc. Đài Sharia
thông báo hai mươi tám thợ cắt tóc đã bị bắt và bị xử phạt vì cắt
tóc cho thanh niên theo kiểu Leonardo DiCaprio.
Đầu video và tivi đang mở ầm ầm trong các căn hầm của cư
dân Kabul. Người dân nổi loạn bất cứ nơi nào, lúc nào có thể. Suy
cho cùng thì tìm đâu ra vũ khí trong thành phố này. Phụ nữ chỉ biết
cúi đầu xuống mà đi. Đàn ông thì oằn lưng dưới những nhát roi
quất. Nhưng, một cách bí mật và nổi loạn, chúng tôi thưởng thức câu
chuyện say đắm của đôi tình nhân trong phim Titanic, và chúng tôi
khóc thương cho cái chết của chàng Leonardo giữa những tảng băng
trôi nổi ở Đại Tây Dương.
Điều này có vẻ nông nổi kinh khủng, trong khi cuộc sống thường
nhật của chúng tôi đáng sợ là thế. Đất nước thì đang chết đói. Dân
tị nạn từ nông thôn gom thành đống trong các trại ở biên giới với
Pakistan và Iran. Số phụ nữ đi ăn mày tăng lên trên đường phố
Kandahar, Kabul, Herat, Mazar-e-Sharif và Jalalabad. Nhưng bọn
Taliban không nói gì về tình trạng này. Chúng còn đang mải mê
tống các thợ cắt tóc vào tù, vung roi quất đàn ông và trừng phạt
phụ nữ. Thế nên, vì các sắc lệnh cấm cả phụ nữ lẫn nam giới không
được cười đùa trên đường phố và cấm thanh niên vui chơi, chúng
tôi phản kháng lại chính quyền bằng cách khóc thương một chuyện
tình ngoại giáo.