Đài phát thanh đường phố cho biết - nhưng không biết có đúng
không? - rằng chính Mullah Omar cũng khiếp sợ Kabul, vì thế ông
ta chỉ sống trong một ngôi nhà được bố vợ ông ta là Bin Laden xây
cho ở Kandahar. Trong khi đó Đài Sharia lại nói rằng bây giờ tay Bin
Laden này đang đề xuất hỗ trợ tài chính và tiếp tế cho các lò
bánh mì ở Kabul, những điều Liên hợp quốc trước đây đã làm.
Khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp dụng lệnh trừng phạt
đối với Taliban vào cuối năm 1999, vì bọn chúng đã từ chối dẫn độ
Bin Laden đến Mỹ, nơi ông ta bị buộc tội khủng bố, Bin Laden đã
đáp lại đầy đe dọa: “Các ngươi sẽ phải hứng chịu những trận động
đất và những cơn bão táp của Đấng Allah; các ngươi sẽ sửng sốt
trước những gì xảy ra với các ngươi.”
Năm 1996, trong một bài giảng của khóa học báo chí của tôi, tôi
được biết rằng một ông Bin Laden nào đó đã tài trợ cho các thánh
đường. Thánh đường và bánh mì vốn là hai trụ cột của cuộc sống ở
Kabul. Đó là lý do Bin Laden trở nên quan trọng đến thế ở đất
nước chúng tôi. Không biết tiếp theo ông ta sẽ tài trợ cái gì. Tôi
những muốn làm một hình minh họa về Bin Laden trong số sau
của tờ báo chúng tôi, tờ Fager, nhưng không thể. Ở Kabul không có
một bức chân dung nào của ông ta cả, không hình ảnh nào hết, bởi
những thứ này đều bị cấm.
Việc săn tin hay cho tờ báo đặt ra cho chúng tôi nhiều vấn đề.
Chị Farida mang về những tin đồn từ các thương nhân ngoài phố.
Anh Daoud nghe ngóng những lời xì xầm trong các cửa hàng. Nhưng
các chủ đề đáng nói ở thành phố này vào năm 2000 thật hiếm hoi,
năm tất cả những nơi khác trên thế giới sẽ ăn mừng. Chúng tôi
cũng từng mừng Năm Mới, nhưng Taliban đã coi đây là một việc làm
ngoại giáo. Thế thì liệu hoa có là ngoại đạo? Chị Soraya với bộ sưu
tập bưu thiếp hoa có tội gì không?