quá tỉ mỉ chăng? (Vậy là chiếc mặt nạ của anh cũng như thế thôi)... Như
vậy, chính sự ham chuộng hình thức quá đáng dẫn tới kết quả ngược lại: sự
xa rời cái thực. Có thể gán cho bộ mặt ý nghĩa lớn, nhưng chỉ sau khi nhìn
thấy sự kỳ quái của nó!
Đúng, sự sao chép quá chính xác hóa ra lại kém xác thực, đúng là như
vậy. Nhưng lẽ nào có thể quan niệm được việc tái hiện trong ký ức một
ngón tay không có hình dạng? Con rắn không có chiều dài, con mèo không
có hình khối, tam giác không có góc... Không, những thứ như thế ta không
thể gặp được, chừng nào ta chưa bay lên những vì sao xa xăm, nơi có cái
đó. Nếu không thì khuôn mặt không có vẻ biểu cảm sẽ chẳng có gì lạ
thường. Và cái mà trước đây ta gọi là mặt sẽ không còn là mặt nữa. Với ý
nghĩa đó thì cả mặt nạ cũng có quyền tồn tại.
Khi ấy, vấn đề có lẽ là ở tính linh hoạt chăng? Bởi chưng, “hình thức”
không có khả năng vận động mà gọi là hình thức thì cũng kỳ. Như ngón tay
này chẳng hạn, nó sẽ có vẻ tự nhiên hơn nhiều nếu như nó cử động được.
Để xác nhận điều đó, anh cầm lấy ngón tay và làm cho nó cử động. Thực
vậy, nó có vẻ tự nhiên hơn nhiều so với khi đặt đứng trên bàn. Vậy thì
chẳng việc gì phải lo ngại về chuyện đó. Như vậy ngay từ đầu anh đã quyết
định dứt khoát là mặt nạ phải thay đổi được vẻ biểu cảm.
Nhưng vẫn còn một cái gì không ưng ý. Ngón tay có cái gì đáng ghét.
Anh bắt đầu so sánh nó với ngón tay mình, tập trung hết sức chú ý, xem xét
thật kỹ. Đúng, có khác nhau... Nếu như không phải do vết cắt và khả năng
cử động thì... Có thể là cảm giác của da chăng? Một cái gì mà chỉ làn da
đang còn sống mới có, cái không thể bắt chước được chỉ bằng màu sắc và
hình dạng chúng?...
Ghi chú ngoài lề I - Về cảm giác của biểu bì.
Biểu bì của con người, theo anh quan niệm, được bảo vệ bằng một lớp
trong suốt không có sắc tố. Vì vậy cảm giác của da có thể là hiệu ứng sai