Em hãy tưởng tượng trong vòng mấy phút em phải ngồi bất động trước máy
ảnh, vẻ mặt không thay đổi. Điều đó khó vô cùng. Sau vô số thất bại - khi
thì ngứa mũi, khi thì nháy mắt - đến ngày thứ tư, rốt cuộc anh đã đạt được
kết quả thỏa đáng.
Bây giờ đến việc phủ một lớp kền lên cái khuôn đã có được và thực hiện
điều đó trong chân không. Không thể làm ở nhà được. Anh bí mật đem nó
vào phòng thí nghiệm và trốn tránh con mắt người ngoài, làm tất cả công
việc cần thiết.
Cuối cùng chỉ còn một số việc cần làm nốt. Đêm hôm ấy, biết chắc là
em đã đi ngủ, anh đặt cái xoong sắt có chì và antimon lên cái bếp hơi xách
tay. Antimon nóng chảy có màu ca cao pha quá nhiều sữa. Khi anh bắt đầu
thận trọng đổ dung dịch vào khuôn thì những giọt hơi màu trắng chầm
chậm nổi lên trên. Từ cái lỗ do cái ống cao su mà anh thở để lại, rồi từ khắp
mọi chỗ dọc theo rìa khuôn, khói màu da trời trong suốt tỏa ra nghi ngút.
Có lẽ là axit cháy. Mùi thật kinh tởm, anh mở cửa sổ. Gió tháng giêng giá
buốt như những móng tay cấu vào mũi. Anh lật cái khuôn, lấy rời ra bản
đúc bằng antimon đã cứng lại và làm lạnh cái khuôn còn bốc khói bằng
cách nhúng nó vào chậu nước. Từ trên bàn, cụm đỉa lấp lánh ánh bạc mờ
đục nhìn cái tổ đỉa màu đỏ máu trên mặt anh.
Nhưng dù sao vẫn không thể tin được đây là mặt anh. Bộ mặt khác...
hoàn toàn khác... Anh không thể tin được rằng đấy là những con đỉa mà nhờ
chiếc gương, đã trở nên quen thuộc đến ghê tởm đối với anh... Cố nhiên,
bản sao antimon đó của khuôn mặt và hình anh trong gương thì mặt trái và
mặt phải đổi chỗ cho nhau, bởi vậy giữa chúng có sự khác nhau nhất định.
Tuy nhiên sự khác nhau như thế, có thể quan sát thấy tùy thích nhờ ảnh
chụp, cho nên cái đó chẳng lấy gì làm quan trọng cho lắm.
Rồi đến vấn đề màu chứ gì? Qua cuốn “Bộ mặt” của Hăng ri Blăng, một
bác sĩ người Pháp, cuốn sách mà anh tìm thấy trong thư viện, thì giữa màu
của mặt và vẻ mặt có mối liên hệ chặt chẽ hơn ta tưởng rất nhiều. Chẳng