thước quy định cho nó. Rồi lỗ mũi giống như cái miệng vòi cao su... Tiếp
đó là đôi mi mắt nhắm chặt đến nỗi mất hút trong những nếp nhăn... Và
cuối cùng, tiếng cười giống tiếng vỗ cánh của những con chim trời hoảng
hốt thì đúng hơn là tiếng cười.
Anh bứt rứt trong người. Có cần chiếu bộ mặt dưới dạng như thế không?
Điện ảnh ngay từ đầu đã là cảnh trình diễn chỉ có thể có trong bóng tối. Anh
cho rằng vì người xem không có bộ mặt, nên người được người ta nhìn
cũng không cần có bộ mặt...
Nhưng trong đời sẽ không sao tìm được một diễn viên bằng lòng loại bỏ
bộ mặt, mặc dù anh ta sẵn sàng cởi bỏ quần áo đến đâu cũng được. Hơn thế
nữa, anh ta tuyệt đối tin chắc rằng tất cả diễn xuất của anh ta tập trung xung
quanh bộ mặt. Đây chẳng phải vẫn là cái trò lừa dối ấy sao? Nhử người xem
bằng bóng tối và giương một cái bẫy như thế với người đó?... Hay là thế
này, nhìn thì xấu hổ, nhưng phải chăng có thể nói rằng nếu chỉ vờ làm như
ta đang nhìn là mọi việc đều ổn cả chăng? Hãy bớt bớt cái thói khoa trương
và đạo đức giả xấu xa đi! (Liệu có tức cười không chứ, sự tự khẳng định
như thế lại xuất phát từ một kẻ tàn phế bị mất bộ mặt? Nhưng kẻ hiểu hơn
ai hết thế nào là ánh sáng lại không phải là người thợ điện, không phải là
họa sĩ, không phải là nhà nhiếp ảnh, mà là người mù mất thị giác ở tuổi
trưởng thành. Nếu như sự dư dật có cái anh minh của sự dư đật thì sự bần
cùng có cái anh minh của sự bần cùng).
Như để cầu cứu, anh lại nhìn cái đôi ấy. Bây giờ họ ngồi im thít. Sao thế
nhỉ? Có lẽ sự thèm muốn sôi sục chỉ là thành quả của trí tưởng tượng của
anh chăng? Qua những khe hở của lớp băng, những dòng mồ hôi nhơm
nhớp bò ra như những con sâu. Rõ ràng không phải chỉ vì lò sưởi quá nóng.
Một cái gì giống như mù-tạt thấm vào từng lỗ chân lông, khiến cho cơ thể
bỏng rát. (Cái giả dối hóa ra không phải là bóng tối, mà kỳ lạ thay, lại là
khuôn mặt của chính anh). Nếu như giây lát này, trong phòng xem đột nhiên