từ các nhà trong làng ra. Chiếc cột gỗ được bào lại, vết đục hốc cột
cũ còn lồi lõm trên những rui mè, cầu phong. Gạch ngói cũng thế,
hòn mới hòn cũ loang lổ vàng khè, đen sạm, khấp khểnh.
Hình như là trại lính, cả huyện Chơng Prâng đã phải về đắp
nền, dỡ nhà trong làng ra làm. Người ở công trường kể dạo mới đến,
chỗ nào cũng phảng phất mùi thối xác chết, mà không rõ ở đâu.
Ruồi nhặng ghê gớm, kinh khiếp. Nhiều không biết cơ man nào,
khắp nước rùng rợn ruồi nhặng. Nhiều đến vốc tay được. Quanh
bữa ăn, nhặng vù vù đen ngòm, xanh lè từng đám đậu vào bát đĩa,
vào mặt. Chớp mắt, nhấp nháy, ruồi tưởng mồi động đậy, đậu cả
vào mắt, rồi ruồi đuổi theo đũa, chui vào miệng.
Phải ăn cơm ở đầu nhà và chập tối mới dám dọn. Nhưng ruồi
nhặng ở đây cũng không biết sợ bóng tối. Đầu tiên, mọi người còn
xua xua, sau, xua không xuể, mà ăn càng dềnh dàng, nhặng càng
kéo đến nhiều, đành chỉ có cách ăn nhanh. Có hôm đã phải tính ăn
cơm lúc trời tối hẳn. Nhưng anh em bảo ăn lúc nào nó cũng đến. Tôi
không tin. Rồi quả nhiên, bữa cơm đầu tiên, tôi thấy nhặng bay
trong bóng tối, nghe vù vù rồi cứ từng nắm, lép nhép bay vào mặt,
vào miệng...
Công trường làm đường này thật bồng bột trong quang cảnh dữ
dội đặc biệt thế. Những khuôn mặt nắng cháy. Người trong làng
cũng hăng hái ra làm giúp. Người quảy đất, người máy ủi, máy xúc,
người trồng cỏ dưới nắng lửa táp.
Quãng đường này, từ Kông-pông Chàm về Phnôm Pênh bị đứt
ba ki-lô-mét trong trận lụt lớn mùa thu năm ngoái.
Cam-pu-chia - Việt Nam xa-ma-ki chay-dô! Cam-pu-chia - Việt
Nam đoàn kết muôn năm! Các bạn Khơ-me ai cũng nói câu ấy, ai
cũng thuộc, tôi cũng thuộc.