bóng trúc, trong làng dừa lủa tủa bờ Nậm Khan, tiếng chim tăng ló
kêu nghe xa thẳm vào im lặng, tưởng như nơi hoang dã xưa nay chỉ
có thế, vậy nhưng Pha Nom không cô đơn, ở Pha Nom có thanh niên
xuống Thủ đô Viêng Chăn học đại học. Pha Nom lại có cả thanh niên
làm phi công lái các đường bay quốc tế của hãng Hàng không Lào.
Pha Nom có thanh niên đi học ở Hà Nội và ở các nước bạn trên thế
giới.
Pha Nom như thế đấy. Và đấy cũng là hình ảnh bình thường
của bất cứ nơi khuất nẻo nào ở nước Lào bây giờ. Viêng Chăn cũng
như Luông Pha-bang, cũng như ở Phôn Hồng, ở Na Nhàng, thiên
nhiên như muôn thuở, nhưng con người thì thật sôi động và cuộc
đời đương đổi thay.
Có khách đến, làng Pha Nom mở hội giới thiệu những công
trình lao động sáng tạo của một làng canh cửi. Tôi đã có lần được
thấy những sản phẩm đặc sắc này ở chợ Mới và những cửa hàng ở
Viêng Chăn. Những cô gái Pha Nom đương gấp lại những tấm vải
màu mới vừa dệt đổ ở cuốn cửi ra. Vuông vải may áo mặc thường
ngày, nhuộm chàm và nhuộm lá rừng, cũng đỏ tươi, cũng hoa hiên,
đẹp nền nã, ý nhị, bền màu đến tận lúc rách. Những tấm phe thua
quàng vai màu xanh lồng chỉ kim tuyến lóng lánh các ngày hội.
Những gấu váy thêu và những tấm khăn phủ mặt bàn, mặt tủ,
phòng khách. Những túi đeo vai dệt hình con gà, đàn chim sặc sỡ,
thật duyên dáng và thơ ngây mà khách du lịch nào đến nước Lào
cũng phải tìm mua cho được để đeo ngay lên vai.
Cô gái Pha Nom hiền hậu, má đỏ hây, áo sơ mi hồng, cổ áo ve to
kiểu mới. Tưởng như mình đến làng nào ở ngoài thành phố Pra-ti-
sla-va, gặp những cô gái Slô-vắc xúng xính rực rỡ váy áo dân tộc ra
mời khách.
Những cô nàng Pha Nom đương bật bông, đánh con cúi, xe chỉ.
Những tấm thổ cẩm thêu hoa màu lục, màu hồng được các cô đem