Tôi nhớ ở Lai Châu năm trước, có lần đi công tác trên cao
nguyên Sìn Hồ rồi vòng xuống “vùng thấp” cửa sông Nậm Na, giữa
đường vào nghỉ chân làng đồng bào Lự.
Những cô gái Lự đi nương về, váy đỏ gấu điều lả tả, rực rỡ
trong nắng chiều. Bộn rộn khắp cả nhà, tiếng gà cục tác, tiếng người
gọi lợn và khói bếp xanh sẫm đọng ngay trên mái. Làng người Lự
thật đầm ấm.
Các cụ già người Lự ở Pha Nom đây kể rằng người Lự đến đất
này, cùng với người Lào chung một cánh đồng, có đến ngoài ba, bốn
trăm năm rồi, không ai nhớ được chính xác. Đời người lưu lạc qua
rừng qua suối đến chỗ đất phẳng kiếm miếng ăn, con người cũng
không còn nhớ tên mình, biết đâu tên làng tên đất, tới chốn này gặp
tình anh em và có cái sống thì dừng lại, làm nhà ở bên những tảng
đá nhấp nhô như những cái vú đá, thì gọi là làng Pha Nom - làng vú
đá, thế thôi. Người Lự, vốn khéo tay và cần cù, có ruộng thì cấy lúa,
phá được nương thì gieo mố, đi làm ngoài nương ngoài đồng về
ngồi sàn đầu nhà lại chẻ mây đan ghế, uốn song tết mâm. Đêm đến,
thắp đèn lên, bật bông, nhuộm chỉ, dệt váy, dệt khăn vắt đem bán
chợ. Nhưng xưa kia, bị đè nén trong xã hội cũ, người Lự chẳng được
làm như việc bây giờ ta ngồi tưởng tượng mà tính gọn ra thế. Cả
làng Pha Nom thời ấy đều phải làm một nghề - đàn ông cũng như
đàn bà, quanh năm phải vào kinh đô Luông Pha-bang làm tôi tớ
trong các cung vua. Làng Pha Nom chuyên nghề đi hầu các vua
chúa, đời này qua đời khác, suốt đời bước cắm mắt xuống đầu ngón
chân.
Làng Pha Nom bây giờ khác rồi.
Từ những năm cách mạng Lào còn trong bóng tối gian khổ, làng
Pha Nom đã được ánh sáng tới, nhen nhúm được cơ sở cách mạng,
có người đi khu giải phóng. Hôm nay, các lứa tuổi trẻ Pha Nom đi
bộ đội, đi cán bộ, đi học các nơi: Pha Nom, một vùng khuất nẻo xanh