soi lại từng sợi dệt, trước khi giao hàng cho công ty du lịch. Những
tiếng cười, những con mắt chứa chan. Cái vui và công việc rộn rã ấy
không phải chỉ thấy ở nơi tiếp khách. Mà qua người làng có thể bắt
gặp tình cờ trong mỗi nhà, cũng một cảnh quen mắt. Trên sàn, một
bà già guồng sợi, quay mặt ra, chắp tay mỉm cười chào khách. Dưới
sàn, cô gái trong khung cửi cắm cúi đưa thoi, bỗng ngừng thoi đưa
mắt nhìn khách lạ. Người vào làng bây giờ chỉ có bạn, không phải
bọn nhộn nhạo đi bắt lính, không phải lính tráng đi bắt phu, đi sục
cái ăn hay đi bắt gái làng ra hầu hạ vua quan. Những con mắt gặp
nhau chỉ thấy có quyến luyến. Cuộc sống mới bây giờ yên vui và êm
đềm như con thoi đưa, chẳng có gì bất trắc. Người ta đinh ninh biết
rằng dệt từ giờ tới chiều thế nào cũng được cuốn cửi.
Làng Pha Nom có nghề dệt thổ cẩm cổ truyền, làng bây giờ
không phải như làng ngày trước, cả đời người đàn bà chỉ biết lê
quanh cây bật bông và cái chum lá nhuộm. Đời người chỉ biết có dệt
áo, dệt váy, dệt chăn đệm, may màn. Con gái đẹp làng Pha Nom bây
giờ không phải cả đời quanh quẩn ở làng, đợi ngày lễ bước vào sân
cỏ rón rén múa cho cả nhà cả họ mua vui. Không, hàng dệt Pha Nom
bán chợ và xuất khẩu. Nghề dệt đương thành một công nghệ. Cô gái
Pha Nom bây giờ đi cán bộ, đi học xa. Cô gái Pha Nom ấy cười đáp
lời anh bạn Lào cùng đi với chúng tôi, rằng: “Có, Pha Nom chúng tôi
bây giờ đã bỏ phong tục se duyên thiên hạ, cũng nhiều chị em lấy
chồng xa, lấy chồng đi cán bộ tận Viêng Chăn”.
Ruộng hai bên đường đương lên xanh óng. Lúa này, chỉ đến
hôm hội bơi chải đã vào đồng. Các làng quanh thành phố vào tổ đổi
công từ hai năm nay, đã cấy được hết các chân ruộng.
Đồng chí Chít-ta-vông, người Lào Sủng, phụ trách nông nghiệp
tỉnh, nói:
- Tỉnh Luông Pha-bang chúng tôi đã có mười hai hợp tác xã lập
thủ. Người H’mông chúng tôi trên núi bây giờ cũng đương đợi. Chỉ