Nhưng mà thôi, chúng đã cút khỏi đất này, không bao giờ có
thể trở lại. Mọi huyễn hoặc ấy không thể là cuộc sống tốt lành cho
người ta. Ai cũng biết thế.
Đèn điện thành phố trên núi Phu Xỉ, đã mờ vào làn mây mỗi lúc
mỗi xuống thấp. Bắt đầu một ngày đầu thu trời mát rợi.
Hôm nay, ngược sông hơn hai mươi ki-lô-mét, tôi lên thăm chùa
động đá ở sông Nậm U - một thắng cảnh vùng Luông Pha-bang.
Hàng năm, đầu năm mới, người vùng này lên lễ chùa hang. Trên núi
ấy có hai chùa và hàng nghìn pho tượng lớn nhỏ, tượng Phật bằng
gỗ tạc, bằng đồng đúc. Có tượng từ các đời trước, có tượng của
khách thập phương cúng dường đem đến hàng năm.
Đương mùa nước lớn, nhưng dòng Mê Kông trên này hẹp, có
những quãng thác ngầm nước chảy xoáy như trong đèn cù.
Lại còn một câu chuyện người Mỹ để lại đây, mà cả vùng Pác U
vẫn kể. Quãng đầu 1975, trước khi Luông Pha-bang được giải
phóng, có một bọn Mỹ vào du lịch Lào. Cả trai cả gái, đi chùa hang
có đến trăm đứa. Chúng đem theo những dọc tẩu và bàn đèn thuốc
phiện mua ở chợ Viêng Chăn. Chúng ở lại mấy ngày, ăn ngủ thuốc
xái, tiêm xì ke, hỗn độn trong cáisa la của chùa giữa rừng. Đến hôm
đi, chúng lấy cắp đi tất cả những pho tượng bằng đồng. Bây giờ
chùa hang cửa sông Nậm U không còn một cái tượng đồng nào.
Thuyền vẫn ngược nước lên. Tưởng như trông vào đâu bây giờ
cũng chỉ còn một màu xanh hoang vu. Không thấy nhà, mà dễ dàng
nhận ra làng xóm và phân biệt được trên hai bờ sông, cứ cách rừng
một quãng lại qua làng. Chỗ người ở có những bụi trúc xanh
biếc.Những vườn bưởi quả rám nắng vàng ửng. Trên xa, lớp lớp
những rặng dừa. Đôi chỗ bờ dốc, một thang gỗ bắc đứng xuống mép
nước. Mấy đứa trẻ tắm đùa rồi chạy vào bờ lau, cất lên những chiếc
lờ cá vừa sập hom.