chuyến đi ngược đường lại bồn chồn trong lòng. Nhưng đi trở lại
hàng nghìn cây số, mà tôi đinh ninh rằng một ngày gần đây, nếu
thăm Cam-pu-chia, mình sẽ ra chơi Phú Quốc và về Hà Nội theo
đường vào Rạch Giá rồi lên Sài Gòn. Nhất định thế.
Chúng tôi sắp đi, tình cờ gặp một chuyện.
Buổi trưa ấy, ở nhà hàng Xanh da trời trên bãi biển, khách ăn
đương đông.
Người bạn Khơ-me cùng đi, bỗng cười, bảo chúng tôi:
- Này, trong các anh, có ai đã đánh trận Điện Biên Phủ thì nên
đến làm quen với lão quan năm thầy thuốc kia. Người quen cũ đấy.
Câu hài hước thình lình hướng tôi nhìn sang góc cửa sổ, có một
đám người Âu, cả đàn ông đàn bà và trẻ con đương ngồi quanh bàn
ăn. Trước mặt họ, cả một bàn dài là những thức ăn cho khách chơi
bể, đầy tú ụ, bày ràn rạn, kềnh càng và phức tạp một cách thú vị,
nào những cua ghẹ mai xanh luộc để cả con, những đĩa tôm, những
mực tươi, những đĩa sò nướng cứ vắt chanh vào mà hút tươi nguyên
xi như thế. Chen giữa mấy cái gáy béo nung núc đương cắm cúi, mải
miết ăn, đột ngột nổi gồ lên một cái đầu hói đỏ gấc, to đến bằng quả
bí đại.
- Lão ta đấy.
- Thì ra, năm trước, lão ta là quan năm thầy thuốc trong quân
đội Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ “khủng khiếp”. Lão ta đã giơ
cả hai tay run rẩy dưới mảnh cờ hàng vải trắng, lão chui hầm ra
đứng cúi đầu trước các chiến sĩ quân đội ta. Từ ngày được thả, giải
ngũ, lão ta xin đến trú ngụ kiếm ăn ở đất này và làm việc cho cái nhà
thương tư Boát-Si-E. Đã được bảy, tám năm nay.
Người bạn Khơ-me của tôi có nhận xét: