mái nhà sắt tây ở các xóm lao động chi chít ánh lên từng mảnh sáng.
Trên trời Lào, đôi chốc, lốm đốm máy bay quân sự như những
con châu chấu trắng lừ đừ bay trên nền rừng im lặng.
Chúng tôi ghé xuống sân bay Vát-tay lên Thủ đô Viêng Chăn
nước Lào. Nếu Gia Lâm chỉ là cái bến bay nhỏ bé bình thường thì
Vát-tay là một cái quái thai, không bình thường. Cũng dễ hiểu, sân
bay Vát-tay do người Mỹ vừa làm, mới tinh. Những bãi lầy và cỏ
nước còn rối rít quanh cả chân tường.
Cách Viêng Chăn mười cây số, Vát-tay nằm giữa đồng nước và
rừng thưa - nước Lào của rừng núi. Ngay cuối phố xá Viêng Chăn
đã là ra đến cửa rừng. Buổi trưa ấy vắng, có một lính thợ người Mỹ
cao và gầy chui từ trong bụng chiếc máy bay nào đó ra, tay áo xắn
quá khuỷu, lem luốc dầu mỡ, chiếc mũ lưỡi trai mi-ca lật ngược
xuống cái gáy cũng đỏ hắt như cổ gà chọi, anh ta hồng hộc phóng xe
mô tô băng qua cái sân xi măng lặng ngắt không một bóng hành
khách.
Cái sân bay Vát-tay dân sự và quân sự này có thể điển hình cho
cuộc chiến tranh miễn cưỡng của đế quốc Mỹ vận tải đến nước Lào
hiền hậu mà kề ngay cửa ngõ Viêng Chăn đã chỉ toàn một màu xanh
rừng.
Sự cần thiết nhất ở đây là những công cuộc vỡ đất khai hoang
đem sức người mà đẩy lui bớt cái mầu xanh rừng hoang dại kia đi
và một cuộc đời Lào lành mạnh. Thế nhưng, giữa chốn triền miên
những rừng, những núi sâu và khuất trong lục địa châu Á này bỗng
dưng lại rơi đến một cái sân bay hiện đại ầm ĩ mà không có hành
khách, mà không một người Lào nào cần đến cái ầm ĩ vô lý ấy. Thế
nhưng, dưới đất thì máy bay quân sự đỗ hàng loạt, trên trời thì vè vè
như bọ dừa bay. Những chiếc khu trục bay đôi, liệng thấp, liệng cao.