dân Lào chỉ cầu mong một đời sống bình yên và tự chủ đã kinh tởm
cái văn minh giết người của đế quốc Mỹ, và bỏ đi từ năm trước rồi.
Người dân Lào đã cương quyết đi chiến đấu cho hạnh phúc, cho một
nước Lào thật sự độc lập, hòa bình và trung lập.
Cũng một cảnh ấy, nhưng Gioóc Sap-pha đã chỉ thấy cái bề
ngoài, nghĩa là chẳng thấy gì.
Rồi lại sông Mê Kông uốn khúc, tỏa đi từng dòng lớn. Từ trên
cao, đã có thể nhìn rõ được nước Mê Kông thì sáng trong, nước Tôn-
lê Sáp thì xanh biếc màu lá. Và thế là một thành phố thứ hai trên ngã
tư Mê Kông đã hiện ra: Phnôm Pênh.
Mấy năm nay, có nhiều khách đến Phnôm Pênh. Quả nhiên là
Phnôm Pênh đã trở nên một cái gì, mà nếu không biết thì cứ áy náy.
Đúng như thế, có thể họ vì nhiều cớ, trong đó cũng muốn tò mò xem
Cam-pu-chia trung lập đang tích cực bảo vệ độc lập và chủ quyền
mình. Nhưng cũng thật là buồn cuời (và đáng thương hại nữa), họ
đến đây, cũng như nhiều người khách khác đã đến “xem” những
nước xã hội chủ nghĩa trước khi đến, họ đã đặt tên sẵn nào là vào
“sau màn sắt”, “sau màn tre” gì đó. Cho nên, cứ mỗi người nói một
phách. Như anh phóng viên Đơ-vác (Thụy Sĩ) thì chán chường: “Cả
đến xe ô tô ở Phnôm Pênh cũng có mùi nước đái”. Nhưng cô Ly-ly
A. Bây (Tây Đức) thì lại chửi vỗ vào mặt Đơ-vác bằng câu: “Phnôm
Pênh có nửa triệu dân và có thể tự hào là một trong những Thủ đô
sạch sẽ và đẹp nhất châu Á”.
Thế là thế nào? Cố nhiên, một người từ Hà Nội tới có lối nhìn
của Hà Nội. Khi đã biết Cam-pu-chia thì trước nhất, tôi phải liệt
ngay những phóng viên báo chí tư sản kia đến đây đã chỉ làm công
việc hú họa và dựa dẫm của người nhắm mắt sờ voi, không thể mảy
may tin được những cái ồ, cái à vô tội vạ của họ.