được thiên hạ truyền tụng. Năm Ouei, nhà Yoshioka đã được Tướng Quân
Yoshimochi ban cho danh hiệu “Heihou Fusou Daiichi” (Binh pháp Phù
Tang đệ nhất). Từ đó trở đi, trải qua một trăm bốn mươi năm cho đến đời
thứ tư thì chưa từng thua bất kỳ võ phái nào.
Nhưng dân chúng ở kinh đô không gọi danh gia này bằng từ ngữ
kính trọng như thường thấy đối với các danh gia khác mà chỉ gọi thân mật
là:
- Nhà Kempou ở Nishino Touin.
Kempou là gia hiệu của dòng họ này nhưng cũng không khác gì
bảng hiệu của các nhà buôn trong vùng. Đối với bách tính thì Kempou cũng
chỉ là một cửa hiệu buôn kiếm pháp, bán võ nghệ mà thôi. Về điểm này thì
ít nhiều có khác với giới kiếm khách các vùng chỉ mong lập thân vang danh
thiên hạ nhờ tài nghệ của mình. Cũng là vì dòng họ này đứng trên lập
trường phòng vệ. Có thể nói đánh bại nhà Yoshioka chính là mục tiêu hàng
đầu của binh pháp gia khắp Nhật Bản. Nếu hạ được Yoshioka thì danh hiệu
Phù Tang đệ nhất kia sẽ lọt vào tay mình, danh tiếng sẽ vang dội mà đường
công danh cũng rộng mở. Sự thật là mỗi tháng có đến mấy người đến gõ
cửa võ đường Yoshioka với ý định như vậy. Thông thường thì bọn môn đệ
lâu năm trong nhà sẽ ra tiếp đấu, nếu môn đệ thua thì kẻ thách đấu lại vòi
đến gia chủ.
Huynh trưởng của Mata Ichirou là Naotsuna năm hai mươi mốt tuổi
trở thành đương chủ kế thừa dòng họ Yoshioka. Lúc ấy Naotsuna tính khí
dữ dội khác hẳn với bây giờ. Vô phúc nếu có kẻ nào hạ xong bọn môn đệ
mà vòi đến gia chủ thì hắn ra tiếp chiêu liền. Naotsuna mạnh như hổ đói.
Năm đầu niên hiệu Keichou, Naotsuna một đòn đánh chết kiếm
khách ở Bushu, đệ tử của Makabe Dou Hisamoto, khai tổ phái Kasumi Ryu
nên được dân chúng trên kinh cả sợ mà gọi bằng cái tên “Tarobou”.
Tarobou là tên gọi của quỷ thiên cẩu sống trong chùa Kurama vốn rất quen
thuộc trong đời sống tâm linh của dân chúng Kyoto. Sau này Naotsuna lại
hạ thêm kiếm khách Kurakage gì đó của phái Shinkage Ryu, Mutou
Jinuemon của phái Chujou Ryu và Hiyama Jubei của phái Shintou Ryu.
Hiyama bị chém giữa trán phát cuồng, mấy ngày sau người ta thấy hắn