ba người có tên như trên đâu cả. Vả lại đương chủ Kempou cùng Mata
Ichirou vẫn sống đến già, hưởng đủ mệnh trời. Như vậy, ai đúng ai sai thì
cho đến ngày nay cũng không rõ, mà cũng chẳng phải là chuyện quan trọng
để điều tra chi li. Nhưng theo như Miyamoto Iori viết trên bia mộ rằng
đương chủ Yoshioka vì thua Musashi mà vứt bỏ binh thuật, xuống tóc đi tu.
Điều này cũng không đúng. Vì lò luyện binh pháp Yoshioka vẫn tiếp tục
đến mười năm sau.
Mùa hè năm Keichou thứ mười chín, trong cung có tổ chức buổi lễ
nhạc Sarugaku công khai cho toàn dân đến xem. Hôm đó, không chỉ dân
chúng trong kinh mà cả bách tính những vùng lân cận cũng kéo về tụ tập.
Sở ty đại cũng cử ra nhiều vệ sĩ giữ gìn trật tự. Trong đám bách tính có tên
môn nhân của Yoshioka là Seijirou Shigekata vốn có tư thù từ trước với
Tadamiya Goemon là lính cận vệ đang canh giữ đám đông. Hôm đó hắn
không mang kiếm nhưng lẻn ra ngoài, giấu đoản đao vào người rồi quay trở
lại chém chết Goemon. Cả hội trường náo loạn cả lên, bọn xem hát nhốn
nháo chưa biết chạy đi đâu thì sở ty đại đã cho nhiều lính mang giáo mác,
gậy gộc ra chặn lại. Trong nháy mắt mà Seijirou đã chém chết sáu, bảy
người, làm bị thương mười bốn, mười lăm người nhưng rồi cũng bị gia thần
của Iganokami Katsushige là Tada Chubei dùng trường đao chém chết. Vì
chuyện lộn xộn này mà sở ty đại ra lệnh đóng cửa võ đường Yoshioka,
huynh đệ Kempou dẫn theo môn nhân đến tá túc ở nhà Mishuku Echizen
Nokami Naganori. Như vậy chuyện nhà Yoshioka mất thế không liên quan
gì đến Musashi cả.
Huynh đệ Kempou sau trận mùa hè ở Osaka mới trở về kinh, công
phu thêm kỹ thuật nhuộm vải học được từ Lý Tam Quan lúc trước rồi mở
hiệu nhuộm ở Nishino Touin. Dân gian vẫn gọi màu lam là màu nhuộm
Yoshioka, cửa hiệu của họ này hình như làm ăn rất phát đạt.
Sau này, vào những năm KanEi thời Edo, trong quyển sách “Mado
no Susami” có chép lại câu chuyện về họ Yoshioka như sau.
Xứ Mimasaka có hai võ sĩ tự mãn binh pháp võ nghệ, gia thần của
chúa Mori Nagatsugu mười tám vạn hộc, chúng lên kinh đêm đêm rình ở
đầu đường chém người qua lại, gọi là “thử kiếm”, “luyện võ”. Một đêm nọ,