nhiều tác giả
Kiếm Khách Liệt Truyện
Người dịch: Nhất Như
CHÚ GIẢI
Kiếm khách liệt truyện là tuyển tập các đoản thiên thể loại tiểu thuyết
thời đại của các tác giả tiêu biểu nhất. Có thể xem đây là tiểu thuyết lịch sử,
tiểu thuyết võ hiệp. Nhưng khác với tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa, tiểu
thuyết thời đại Nhật Bản không đi sâu vào mô tả từng chiêu thức, từng thế
kiếm, mà nhiều khi bối cảnh lịch sử, nhân vật lịch sử nọ chỉ là cái cớ tác giả
mượn để nói lên suy nghĩ của mình về một vấn đề nào đó. Có thể nói là
mượn lời nói ý, mượn bóng tả hình, chỉ mây nói gió.
Điển hình tiêu biểu nhất là các truyện ngắn của Ikenami Shou
Tarou. Như trong “Bí truyền”, tác giả dùng ba hình tượng nhân vật Tokaku,
Kokuma và Doro để nói lên nhận xét của mình về nhận thức của con người.
Nó thật kỳ lạ, có những thứ mà kẻ thông minh như Tokaku lại chẳng hiểu
được trong khi anh khờ như Doro lại có thể cảm nhận một cách rõ ràng,
trong sáng như “nước thấm vào cát”. Phải chăng đây là trường hợp đúng
như câu nói “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”? Vậy để nhận thức
được một vấn đề, đôi khi dùng trí óc mà suy xét thì có lẽ chẳng đi đến đâu
mà phải dùng tâm để cảm nhận? Và đôi khi chúng ta phải như tờ giấy
trắng, phải như ly nước rỗng để có thể chứa được nước. Ly đã tràn thì
chẳng thể nào chứa thêm. Lại như lời dạy của ông Ichiusai, từng đứa là
từng đứa, không có đứa nào lẫn lộn với đứa nào, và cực ý của kiếm pháp
Ippa Ryu đã tồn tại sẵn trong mỗi người, chỉ việc tự mình khai phá và công
phu thêm mà ông chẳng có thể dạy gì được nữa. Đọc đoạn này tự dưng nhớ
lại lời Phật dạy “Thảy chúng sinh đều có Phật tính.” Xét trên quan điểm
hiện đại thì đây cũng là một mẫu mực cho giáo dục. Cực ý của việc dạy là
làm cho người học có thể tư duy độc lập mà không phải lệ thuộc vào bất cứ
thứ gì.
Còn trong “Cung cuồng”, tác giả mượn hình tượng Komatsu