gì? Nếu xem nó là phương tiện khai ngộ tinh thần thì cần gì phải thế, cạo
đầu xuất gia có phải hay hơn không. May mắn là loài người hiện đại đã giải
quyết gần như triệt để mâu thuẫn này. Vốn là người chuộng võ nghệ như
mạng sống nhưng người dịch cũng phải thừa nhận rằng thật may mắn khi
không còn cần đến nó.
“Hitokiri Izou” là một truyện ngắn Shibaryou Tarou viết về sát thủ
Okada Izou cuối thời Mạc phủ, một trong những thời kỳ động loạn nhất
trong lịch sử Nhật Bản. Lúc này nước Nhật đã thấy được sức mạnh của
phương Tây, thấy được hậu quả yếu kém sau mấy trăm năm bế quan tỏa
cảng của mình. Các phong trào chính trị đua nhau ra đời rồi tàn lụi. Có
những người chủ trương đuổi người Tây phương ra khỏi nước Nhật, có kẻ
lại muốn thông qua giao thương với ngoại bang mà phú quốc cường binh,
lại có người muốn đánh đổ bộ máy chính trị Mạc phủ, tàn dư của chế độ
phong kiến làm cản trở sự phát triển của đất nước. Nhưng dĩ nhiên phía
Mạc phủ sẽ cố níu kéo, dù là trong suy tàn, để giữ lại vị trí của mình. Vì
vậy mà tình hình trong nước vô cùng bất ổn, quốc gia bị các hệ tư tưởng
chia năm xẻ bảy. Có kẻ hôm nay Cần Vương, ngày mai lại dốc sức vì Mạc
phủ. Những vụ ám sát diễn ra như cơm bữa, tình hình trị an rối ren, ngay cả
chính quyền trung ương cũng không dám can thiệp vào những vụ ám sát
này.
Trong truyện ngắn này tác giả miêu tả cuộc đời của Okada Izou
trong bối cảnh xã hội như vậy, thật bất hạnh. Âu cũng là chính thời thế đã
đẩy con người ta vào chỗ bất hạnh như Izou. Xuất thân hèn kém ở một
phiên quê mùa phía nam Nhật Bản, Izou chẳng có cơ hội học hành gì. Có lẽ
nguyên nhân chính của sự bất hạnh trong cuộc đời Izou bắt nguồn từ chính
sự dốt nát và lòng tự ti về thân phận của mình. Không học ai mà tự công
phu kiếm pháp, có thể nói ở mặt nào đó thì Izou là kẻ dị biệt, một dạng
thiên tài. Tâm trạng, thái độ của Izou, nhất là đối với Takechi Hanpeita
cũng biến đổi qua từng thời kỳ. Đầu tiên là sự ngưỡng mộ, cảm kích, thần
thánh hóa đối tượng. Sau đó là sợ hãi, chán ghét rồi cuối cùng là oán hận.