Lão bỏ mũ xuống, để bức tượng nằm ngang, nhìn dọc, nhìn nghiêng,
nhìn thẳng các nét vẽ, xem xét cái chốt trên tấm gỗ rồi nheo mắt lại và nói
phì phì như mèo:
- Cái bọn Nikon vô đạo, cái lũ quỷ quái biết chúng ta ưa chuộng đồ cổ,
chúng bày ra đủ trò giả mạo tinh vi. Chà, bây giờ người ta làm ra những
tượng thánh giả mới khéo chứ, khéo lắm! Trông bên ngoài thì hình như đúng
là tượng thời Stroganov, Ustiujcki hay Suzdulski. Nhưng nhìn kĩ thì hóa ra
là của giả mạo!
Nếu lão nói “của giả mạo” thì có nghĩa là bức tượng vào loại đắt và
hiếm. Một số tiếng lóng mách cho gã quản lí biết số tiền cần phải trả để mua
bức tượng hay quyển sách. Tôi biết rằng chữ “đáng buồn và đáng giận” có
nghĩa là mười rúp, chữ “con hùm Nikon” có nghĩa là hai mươi lăm rúp. Tôi
hổ thẹn khi thấy họ lừa dối những người mang đồ tới bán, nhưng cái trò chơi
khôn ngoan của lão già thông thái đã lôi cuốn tôi.
- Cái bọn Nikon, lũ con đen đủi của con hùm Nikon ấy có thể làm đủ
mọi chuyện. Chúng nó bị quỷ sai khiến mất rồi. Trông nước sơn tưởng như
thực, thế nhưng toàn thân thì do một người vẽ, còn khuôn mặt thì cứ nhìn kĩ
mà xem, nét bút lại là của người khác. Những thợ vẽ ngày xưa như Semyon
Ushakov tuy là kẻ vô đạo nhưng đã vẽ được toàn chân dung từ thân đến đầu,
tự tay ông ta bào gỗ quét sơn. Ấy thế mà bây giờ lũ dân vô đạo này không
sao làm được như thế! Ngày xưa việc vẽ tượng thánh là một việc thiêng
liêng, giờ nó chỉ còn là một nghệ thuật, thế đấy các con ạ!
Cuối cùng, lão thận trọng đặt bức tượng lên quầy hàng rồi đội mũ:
- Thật là tội lỗi!
Câu đó có nghĩa là: Mua được đấy!
Bị ngợp trong những câu ngọt ngào và choáng váng trước kiến thức của
lão, người mang đồ tới bán kính cẩn hỏi:
- Dạ thưa cụ, thế bức tượng này thế nào ạ?
- Thế nào à? Đó là tượng thời Nikon.