Bác Jikharev lẩm bẩm:
- Cá tìm đến chỗ sâu, còn thanh niên thường tìm đến chỗ khó khăn
nhất…
Buổi chia tay tôi do xưởng tổ chức vừa buồn vừa nặng nề.
- Tất nhiên là cái gì cũng nên trải nghiệm. – Bác Jikharev nói, mặt bác
vàng khè vì nôn nao sau khi uống rượu. – Nhưng tốt hơn cả là nên bám thật
chắc ngay tức khắc vào một cái gì đó…
- Và cứ bám như thế suốt đời. – Bác Larionich khẽ bổ sung.
Tôi cảm thấy họ nói với vẻ gắng gượng và hình như chỉ cố làm cho
tròn bổn phận. Sợi chỉ thắt chặt tôi với họ dường như đã mục nát và đột
nhiên bị dứt đứt.
Lão Golovev say rượu trở mình trên gác lửng, thở khò khè:
- Tôi muốn tất cả bị bỏ tù hết! Tôi biết một bí mật! Ở đây những ai tin
vào Chúa? A ha-a-a!
Giống như mọi khi, những bức tượng thánh vẽ dở chưa có mặt mũi
đứng dựa vào tường, mấy quả cầu thủy tinh dính chặt vào trần nhà. Đã từ lâu
người ta không làm việc dưới ánh đèn, những quả cầu ấy không được dùng
đến nên bị phủ một lớp bồ hóng và bụi xám ngắt. Mọi thứ xung quanh đã in
sâu trong trí nhớ đến nỗi nhắm mắt lại tôi vẫn nhìn thấy trong bóng tối toàn
bộ quang cảnh hầm nhà, những cái bàn, mấy hộp sơn trên bệ cửa sổ, các
chùm bút lông có cán, những bức tượng thánh, thùng nước rác ở góc nhà,
cái chậu rửa tay bằng đồng trông giống mũ sắt của lính cứu hỏa. Và cả cái
chân trần trụi của lão Golovev buông thõng từ trên gác lửng xuống, xanh tái
như chân người chết đuối.
Tôi muốn rời khỏi nơi đây thật mau, nhưng ở Nga người ta thích kéo
dài những giây phút buồn bã; phút giây tiễn biệt như thể lễ an táng cho
người chết.
Bác Jikharev nhíu mày, nói với tôi: