Chúc mừng nhau xong, cậu hỏi tôi sống ra sao; tôi thành thật kể với cậu
rằng xưởng, thành phố, và mọi thứ nói chung đều khiến tôi chán ngán và tôi
đã quyết định đi Ba Tư.
- Không nên! – Cậu nói, vẻ nghiêm trang. – Đi Ba Tư làm khỉ gì kia
chứ? Này anh bạn, tôi biết chuyện đó lắm; hồi trạc tuổi anh tôi cũng thích
bay nhảy khắp bốn phương trời.
Tôi thích lối nói nhẹ nhàng phóng khoáng như vậy. Trong cậu có điều
gì lôi cuốn, tươi xanh như trời xuân. Từ đầu đến chân, trông cậu rất ngang
tàng.
- Hút thuốc không? – Cậu vừa hỏi vừa chìa cho tôi hộp đựng thuốc lá
bằng bạc có những điếu thuốc kếch xù.
Sự mời mọc đó hoàn toàn chinh phục tôi.
- Thế này nhé, Peskov, anh lại đến ở với tôi! – Cậu đề nghị. – Này anh
bạn, năm nay tôi đã nhận thầu khoảng bốn mươi ngàn rúp những công trình
kiến trúc ở hội chợ, anh có hiểu không? Tôi sẽ phái anh tới hội chợ làm việc,
giống như một người đốc công
của tôi. Anh sẽ nhận vật liệu, trông nom
cho công việc được tiến hành đúng lúc đúng chỗ, và đừng để đám thợ lấy
cắp, thế có được không? Tiền công mỗi tháng năm rúp, ngoài ra mỗi bữa ăn
trưa được trả thêm năm kopek! Mấy mụ đàn bà không dính dáng gì tới anh
cả; sáng sớm anh đi, tối trở về, phớt tỉnh họ đi! Nhưng anh chớ có nói với họ
chuyện chúng ta gặp nhau đấy, đến Chủ nhật này, nhân ngày lễ Thánh Foma,
anh cứ tới, như thế nhé!
Chúng tôi chia tay nhau như những người bạn. Lúc tạm biệt, cậu bắt
tay tôi và thậm chí lúc tôi đi xa rồi cậu vẫn còn vẫy mũ, vẻ niềm nở.
Về xưởng, tôi nói với mọi người rằng tôi sẽ nghỉ việc, lúc đầu mọi
người luyến tiếc khiến tôi khá cảm động; người tỏ vẻ lo ngại nhất là Pavel.
- Cậu hãy suy nghĩ kĩ đi. – Nó nói, vẻ trách móc. – Bọn mình sống với
nhau đã quen rồi, cậu làm sao có thể sống nổi với bọn bần nông phức tạp,
bọn thợ mộc thợ nề ấy… Chao ôi, cậu quên câu tục ngữ “Cha cố đời nào lại
đi làm thằng nhỏ” rồi à?