lấy tiền. Chúng ta có thể bắt đầu vào ngày mốt. Tuy nhiên, tôi cần chị xác
định là chị đi với tôi."
Trong phòng kế, em gái tôi thức giấc và bắt đầu khóc. Nó đã hai tuổi rưỡi
mà thân thể, đầu óc chỉ bằng một đứa bé lên một, thân thể còm cỏi nhăn
nheo, đầu cổ đầy mụt nhọt. Nó tập nói tập đi một cách khó khăn, thường
chỉ thích bò hơn là đi, chỉ biết khóc thay vì đòi ăn. Mặt nó nhăn nheo như
một bà già, giọng nói yếu ớt, nhỏ như tiếng mèo con mới sanh.
Tiếng khóc của nó làm mẹ tôi bực mình, ngừng tay đang băng vết thương
cho bà tôi, hét lớn với vẻ bực dọc: "Kiên, dỗ cho nó nín. Mẹ đang nói
chuyện với cô Đặng."
Tôi bồng nó lên đu đưa trong khi hai tay con bé ôm chặt chiếc gối đã nhàu
nát. Chiếc gối đã gần muốn mục và thum thủm như mùi nước mắm vì mũi
dãi nhưng là chỗ nương tựa an toàn của nó. Bé Tí nằm trên đùi tôi, ngước
đôi mắt lồi to lớn màu nâu nhìn tôi bằng một cái nhìn ngờ nghệch, rồi
thưởng tôi bằng một cái miệng cười không răng.. Những chiếc răng sữa của
nó đã rụng hết mà răng thiệt thì chưa kịp mọc ra.
Bên phòng kế, mẹ tôi đang hỏi ý kiến ngoại về đề nghị của bà Đặng. Tôi
nghe giọng nói yếu ớt của ngoại:
"Mẹ nghĩ con nên đi Sài Gòn một chuyến. Đừng lo cho má. Có ba con ở
đây thì má không sao đâu; còn thằng Kiên có thể lo cho mấy đứa em của nó
được. Con có ở nhà cũng không làm cho mọi chuyện khá hơn đâu."
Hai ngày sau, với số tiền bán chiếc máy may, mẹ tôi đã sẳn sàng lên đường.
Bà nhét vào tay tôi tờ giấy bạc năm chục đồng, trấn an là bao nhiêu đó đủ
cho chúng tôi sống trong năm ngày tới rồi mẹ tôi từ biệt lên đường.
*
Cùng ngày hôm đó, trường tôi tổ chức buổi diễn hành cuối niên học. Dẫn
đầu là đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh mà những chiếc khăn
quàng cổ màu đỏ của họ phân biệt họ ra với các học sinh khác. Anh phó
trưởng lớp tôi hãnh diện cầm lá quốc kỳ trong tay dẫn đầu đoàn diễn hành.
Họ đi ngang qua thành phố, hát bản quốc ca và hô các khẩu hiệu tuyên
truyền của cộng sản trước một đám đông nhiệt liệt.
Tôi lánh mặt trong lớp học. Duy ở lại với tôi cho có bạn, ngồi bên cửa sổ