40.
Mấy hôm sau bà Carey ra ga tiễn Philip. Bà đứng ở bực cửa toa tàu cố
cầm nước mắt. Philip thì hăm hở hoạt bát, mong được đi ngay.
- Hôn bác một lần nữa đi! - bà bảo.
Anh ngã người ra ngoài toa, hôn bác gái. Toa bắt đầu chuyển bánh, bà
đứng trên sàn gỗ của ga xếp, vẫy khăn tay cho đến khi anh đi khuất hẳn.
Lòng bà vô cùng đau đớn, đường về nhà chừng một trăm thước thôi mà có
vẻ dài dằng dặt. Dĩ nhiên, Philip hăm hở ra đi, bà nghĩ vậy, anh là chàng
trai, tương lai vẫy gọi anh, còn bà - bà nghiến chặt hai hàm răng đến nỗi
không khóc được. Bà âm thầm lẩm bẩm cầu nguyện Chúa phù hộ Philip,
giữ không để anh sa vào vòng cám dỗ, ban phúc và mọi điều may mắn cho
anh. Nhưng một lát sau, vừa ngồi xuống trong toa thì Philip không còn nghĩ
tới bác gái. Anh chỉ nghĩ tới tương lai. Anh đã viết cho cô Otter, người nữ
sinh thu tiền góp do Hayward giới thiệu; trong túi áo anh đã có giấy mời dự
tiệc trà hôm sau. Đến Pari anh đưa hành lý lên một chiếc xe ngựa, xe từ từ
lăn bánh qua những con đường đông vui, qua cầu và đi dọc theo những con
đường chật hẹp của khu vực La-tinh. Anh thuê một buồng ở khách sạn
Hotel des deux Ecoles trong một phố tồi tán cách xa đại lộ Montparnasse,
gần trường Amitrano, nơi anh sẽ đến học tập. Người hầu phòng mang hành
lý anh lên năm tầng cầu thang. Philip được đưa vào một căn phòng nhỏ xíu
ẩm mốc cửa sổ đóng kín, một chiếc giường gỗ trên có màn che bằng vải
sọc đỏ kê choán phần lớn gian phòng, trên các cửa sổ treo những bức màn u
ám cùng một thứ nguyên liệu tối màu, một tủ com-mốt đồng thời làm giá
rửa mặt, và một tủ quần áo lớn kiểu thời vua Louis Philip. Giấy dán tường
đen xám, đã phai nhạt với thời gian, còn lờ mờ những hình in vòng hoa lá
màu nâu. Đối với Philip căn phòng có vẻ duyên dáng hay lạ lạ.