Ý kiến này hấp dẫn Hayward và họ nhảy lên xe ngựa đi Westminster
Bridge. Họ lên tàu đúng vào lúc tàu bắt đầu khởi hành. Ngay sau đó, Philip
tươi cười nói:
- Tớ còn nhớ lần đầu khi tới Pari - Clutton, tớ cho là thế, cho ra một bài
diễn thuyết dài về chủ đề: cái đẹp của sự vật là do thi sĩ và họa sĩ gán cho.
Chính họ sáng tạo ra bởi vì cảm nhận cái đẹp từ trong tâm hồn mình. Họ
không phải lựa chọn giữa gác chuông nhà thờ Giotto và ống khói một nhà
máy và rồi cái đẹp phong phú lần theo cảm xúc do chính nó gợi lên trong
các thế hệ kế tiếp. Đó là lý do vì sao đồ cổ đẹp hơn đồ hiện đại. Bài thơ ca
ngợi cái bình hãm trà Hy Lạp, ngày nay nghe thú vị hơn lúc nó được viết
ra, là vì từ hàng trăm năm nay, những người yêu nhạc đã đọc nó và kẻ thất
tình đã tìm thấy ở đó ở từng dòng, từng chữ, một nguồn an ủi.
Philip để cho Hayward suy ra những gì trong cảnh trí trước mắt đã làm
nẩy sinh trong anh có thể để tùy bạn kết luận. Chính do phản ứng đột ngột
từ những tháng năm dài từng trải trong đời mà lúc này anh xúc động đến
thế. Thành phố Luân Đôn lung linh sắc màu thanh tú đã đem lại cho màu
đá xám của các tòa nhà chất mịn màng của một bức phấn màu, và bến tàu
cùng nhà kho thì có cái vẻ mộc mạc duyên dáng của bức tranh khắc Nhật
Bản. Họ xuôi dòng xa hơn nữa, và eo biển tráng lệ, biểu tượng của đại đế
quốc này, mở rộng ra dần, chen chúc tàu bè qua lại. Philip nghĩ đến các họa
sĩ, các nhà thơ đã tạo ra cho cả cảnh vật đẹp đẽ nhường này mà lòng anh
tràn ngập biết ơn. Họ đến Vũng Luân Đôn; ôi, hỡi ai có thể mô tả được vẻ
uy nghi của nó? Trí tưởng tượng anh bay bổng, liệu ai mà biết được những
hình ảnh nào vẫn tồn tại trên dòng nước mênh mông này, tiến sĩ Johnson
với Boswell bên cạnh, và cụ già Pepys trên chiến hạm; lịch sử huy hoàng
của nước Anh, và truyện anh hùng hiệp sĩ, và chuyện dũng cảm phiêu
lưu… Philip mắt sáng ngời quay sang Hayward.