- Công việc gì? Philip tàn nhẫn nói.
- Đời sống tinh thần của mình. - Anh đáp.
Rồi anh thao thao hết lời ca tụng Amiel, một giáo sư ở Genève, mà tài
hoa hứa hẹn những thành tựu không bao giờ được thực hiện, cho đến lúc
chết, nguyên nhân thất bại và lời lẽ thanh minh cùng một lúc được bày tỏ
trong tập nhật ký tỉ mỉ phi thường tìm thấy giữa đống giấy má của ông.
Hayward mỉm một nụ cười khó hiểu.
Nhưng Hayward vẫn có thể say sưa nói về sách vở; thị hiếu của anh
tuyệt vời, nhận định của anh thanh nhã; và mối quan tâm thường xuyên của
anh về lý tưởng khiến anh thành người bầu bạn có thể khuây khỏa giải sầu,
thực ra những tư tưởng đó đối với anh chẳng có ý nghĩa gì, vì chúng không
bao giờ ảnh hưởng đến anh. Nhưng anh coi những tư tưởng đó cũng như
những thứ đồ sứ trong phòng bán đấu giá, anh thích thú nâng niu chúng
theo hình dáng và nước men, thầm định giá chúng rồi sau đó lại cất nó đi
vào hộp, không nghĩ gì đến nữa.
Và chính Hayward đã có được một phát hiện quan trọng. Một buổi tối,
sau khi chuẩn bị kỹ, anh dẫn Philip và Lawson đến một quán rượu ở phố
Beak, đáng được chú ý không phải chỉ do bản thân cửa hàng, và do lịch sử
của cửa hàng - nó có những kỷ niệm thời kỳ hưng thịnh thế kỷ mười tám,
kích thích sức tưởng tượng lãng mạn - mà còn do món thuốc lá để hút là
loại hảo hạng ở Luân Đôn và trước hết là món rượu “Pân” của nó.
Hayward đưa họ vào một gian phòng dài, rộng, lộng lẫy, ánh sáng lờ mờ,
trên tường treo những bức tranh đồ sộ, các hình phụ nữ khỏa thân: biểu
tượng to lớn của trường phái Haydon; nhưng khói thuốc, hơi đốt và không
khí Luân Đôn đã làm cho các tranh đó thêm quí giá, trông tựa như tác phẩm
cổ điển của các nghệ sĩ bậc thầy. Tấm ván ô màu sẫm, màu vàng trát dày đã