- May làm sao tập thơ lại chưa xuất bản. Tôi nghĩ tốt hơn là chúng ta nên
hoãn lại một chút, và tôi sẽ viết lời tựa. Tôi đã bắt đầu suy nghĩ lời tựa ấy,
trong khi đi ra nghĩa trang. Tôi tin rằng tôi có thể viết được một cái gì đó
khá tốt. Dù thế nào, tôi cũng sẽ bắt đầu bằng một bài báo trên “Tuần san
thứ bảy”.
Philip không đáp, hai người im lặng. Cuối cùng Upjohn nói:
- Tôi nghĩ khôn ngoan nhất là sẽ không vứt bỏ bản thảo. Tôi sẽ viết bài
cho một tạp chí nào đó và sau đấy sẽ sử dụng làm lời tựa.
Philip để ý theo dõi các báo ra hàng ngày, hàng tháng và mấy tuần sau thì
bài báo xuất hiện. Dư luận xôn xao, nhiều báo khác trích đăng nhiều đoạn.
Tuy phần tiểu sử còn mơ hồ vì không ai biết nhiều về những năm tháng
thanh niên của Cronshaw nhưng đấy là một bài báo hay, tinh tế, dễ thương
và nhiều hình ảnh. Với văn phong rắc rối của mình, Léonard Upjohn khắc
họa nên những đường nét duyên dáng về Cronshaw ở khu La Tinh, bình
luận và sáng tác thơ ca. Cronshaw trở thành một hình tượng sinh động, một
Verlaine của nước Anh. Những lời văn đầy sắc màu của Léonard Upjohn
tiếp tục với giọng trang nghiêm xúc động và càng khoa trương thống thiết
khi tả về những giờ phút cuối cùng của Cronshaw trong cảnh bần cùng ở
căn phòng tồi tàn bé nhỏ kia tại Soho; và với sự dè dặt vô cùng hấp dẫn
nhưng đồng thời lại gợi cho người đọc hình dung tới một tấm lòng độ
lượng lớn lao nhiều hơn là đức khiêm nhường, y mô tả những cố gắng của
mình để chuyển nhà thơ đến căn nhà tranh nằm lẫn trong một bụi kim ngân
giữa một vườn cây ăn quả đang trổ hoa. Rồi y nói đến một sự thiếu thông
cảm - tuy có thiện chí nhưng lại thiếu tế nhị - đã dẫn dắt nhà thơ đến thành
phố Kennington với sự hóm hỉnh có chừng mực mà sự trung thành triệt để
với từ vựng của Thomas Browse đòi hỏi phải có. Giọng văn trở nên mỉa
mai châm biếm tinh vi ở đoạn y kể lại chuyện chịu đựng của Cronshaw
trong những tuần lễ cuối cùng đối với chàng sinh viên trẻ tuổi tuy đầy thiện