thuộc về hoàn toàn cửa hàng trưởng và bà Hodges, song chàng không quan
tâm, nên khi đi cùng với họ đến Tivoli để ngắm cô Antonia mặc bộ quần áo
đó lần đầu, thì chàng tràn ngập tự hào. Cuối cùng, trả lời câu hỏi của bà
Hodges, chàng cho bà biết chàng đã học vẽ thế nào, vì sợ những người ở
chung, sẽ cho rằng chàng lên mặt ta đây, nên chàng hết sức cẩn thận không
nói gì về những việc làm trước kia của mình; và bà ta thuật lại chuyện này
với ông Sampson. Ông cửa hàng trưởng không đả động gì vấn đề này với
chàng, nhưng bắt đầu đối xử với chàng có phần tôn trọng hơn và ngay sau
đó giao cho chàng vẽ kiểu trang phục cho hai khách hàng tỉnh lẻ. Cả hai
đều hài lòng hết mức. Từ ấy y bắt đầu kể với khách hàng về “một chàng
trai thông minh, vốn là sinh viên mỹ thuật ở Pari đấy, quý vị ạ” hiện đang
làm việc cho y; và chẳng mấy chốc, Philip mặc áo sơ mi trần, ngồi thu lu
sau một tấm màn che, cặm cụi vẽ từ sáng đến tối. Lắm lúc, chàng bận rộn
đến nỗi ba giờ chiều mới ăn trưa với những kẻ còn rớt lại sau. Chàng thích
thế, vì họ chẳng có mấy người, và tất cả bọn họ đều mệt nhoài không còn
sức mà tán hươu tán vượn. Thức ăn cũng khá hơn vì đó là đồ thừa còn lại
trên bàn của cửa hàng trưởng. Từ một chân hướng dẫn khách leo lên địa vị
người vẽ kiểu quần áo, việc đó tác động lớn đến cả cửa hàng. Chàng thấy
rõ chàng là mục tiêu của sự đố kỵ. Harris, người làm công có cái đầu hình
thù kỳ lạ, người đầu tiên chàng làm quen ở cửa hàng này, và là người gắn
bó với Philip cũng không giấu được nỗi đắng cay của hắn.
- Có người toàn gặp may - hắn nói - một ngày nào đây, cậu sẽ là cửa
hàng trưởng, và bọn tớ sẽ phải gọi cậu là “thưa xếp”.
Hắn bảo Philip phải đòi tăng lương, vì mỗi tuần chàng vẫn lĩnh không
quá sáu silinh như lúc mới bắt đầu làm việc, mặc dù công việc đang tiến
hành của chàng là vô cùng khó khăn. Nhưng đòi tăng lương là việc làm vô
cùng tế nhị. Lão giám đốc có cách đối phó nhạo báng với những ai thỉnh
cầu như vậy.