ông cũng leng keng, leng keng cái chuông cho tới khi bà bước vào mới
thôi. Ông có thể chết bất cứ lúc nào, nhưng cũng có thể sống dai dẳng hàng
tháng. Việc bà chăm lo săn sóc một người không phải là máu mủ ruột thịt
mà kiên trì dịu dàng đến thế thật là tuyệt vời, song cũng thảm thương và tội
nghiệp biết bao, trên đời này bà là người duy nhất quan tâm đến ông. Philip
thấy dường như tôn giáo mà cả đời ông thuyết giảng, giờ đây đối với ông
chỉ còn mang tính chất quan trọng theo nghi lễ mà thôi. Chủ nhật nào cha
phó xứ cũng phải đến làm lễ bán thánh thể cho ông và ông thường đọc kinh
thánh, nhưng rõ ràng là ông sợ chết. Ông tin đó là cánh cổng đi đến cuộc
sống vĩnh hằng, nhưng ông không muốn bước vào. Đau đớn liên miên phải
ngồi trên ghế liên miên, không hy vọng còn bao giờ đi được ra ngoài trời,
ông ta bám lấy cõi thế gian quen thuộc này hệt như một đứa trẻ trông vào
người vú em.
Trong đầu Philip luẩn quẩn một câu hỏi mà chàng thường không đặt ra
bởi vì chàng biết ông bác sẽ không bao giờ cung cấp được một cái gì hơn là
một câu trả lời thành khuôn khổ. Chàng tự hỏi ông mục sự kia, giờ đây như
một cỗ máy đã vô cùng tàn tạ, đang cập kề miệng lỗ liệu có còn tin vào sự
bất tử nữa chăng? Có thể trong giờ phút hấp hối mặc dù ông không nói ra
nhưng trong thâm tâm hẳn là ông sẽ tin rằng không làm gì có Chúa và sau
cuộc trần thế sẽ chỉ là hư vô.
Buổi tối tặng quà nhân dịp lễ Nô-en, Philip ngồi trong phòng ăn với bác
trai. Sáng hôm sau chàng phải đi rất sớm để về đến cửa hàng vào lúc chín
giờ, cho nên lúc ấy, chàng phải cáo biệt bác Carey để đi nằm sớm. Cha sở
xứ Blackstable đang ngủ gà gật, còn Philip thì nằm trên ghế trường kỷ cạnh
cửa sổ, chàng bỏ rơi cuốn sách xuống đầu gối và nhìn vu vơ quanh phòng.
Chàng tự hỏi đồ đạc ở đây bán được bao nhiêu. Chàng đã đi quanh nhà,
xem xét các thứ quen thuộc từ ngày còn thơ ấu. Mấy chiếc đồ sứ có thể sẽ
bán được tiền, chàng phân vân không biết có đáng bỏ công đem chúng đi
Luân Ðôn; nhưng còn ối đồ gỗ kiểu từ thời nữ hoàng Victoria, bằng gỗ đào