nhà có người ăn người làm thì tốt nhỉ”, tôi ấy à, tôi những muốn xem thiên
hạ một nách bốn đứa con mọn thì thiên hạ xoay xở nhà cửa ra sao, rồi nào
là bếp nước, vá may, tắm rửa cho chúng”.
Philip phát hiện ra rằng đối với những con người này, bi kịch lớn nhất
của cuộc đời không phải là sự ly biệt hay cái chết, chuyện này là lẽ đương
nhiên và nước mắt có thể làm khuây khỏa nỗi đau buồn - mà là sự mất công
ăn việc làm. Một buổi chiều chàng gặp một người đàn ông về nhà, sau khi
vợ y ở cữ được ba ngày, y cho vợ biết mình bị sa thải, anh ta là thợ xây
dựng, và vào thời buổi đó, công việc làm khó khăn, y nói rõ sự việc và ngồi
xuống uống trà.
- Chao ôi! Anh Jim - người vợ kêu lên.
Người chồng lầm lì ngồi ăn thịt nhừ hầm trong cái xoong để phần cho
mình; y nhìn chằm chằm vào đĩa thức ăn; người vợ hơi hốt hoảng liếc nhìn
y hai ba lần, rồi nàng ngồi khóc âm thầm. Gã thợ xây này người bé nhỏ, thô
lỗ, mặt xù xì xạm nắng, một vết sẹo trắng chạy dài trên trán, hai bàn tay to
lông lá. Ngay sau đó, gã đẩy đĩa thức ăn sang một bên tựa như không sao
nuốt nổi nữa và quay mặt nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ. Căn phòng ở phía
sau trên gác thượng, ở đây không trông thấy gì, chỉ trừ có mây mù ảm đạm.
Một sự im lặng chất nặng nỗi thất vọng. Philip thấy không thể nói gì, chỉ
còn mỗi cách là bỏ đi, và chàng ra về mệt mỏi vì chàng phải thức gần như
suốt đêm, lòng chàng bừng bừng nổi giận đối với cái xã hội khắc nghiệt
này. Chàng thấu hiểu nỗi tuyệt vọng trong cảnh đi kiếm công ăn việc làm
và cơn phiền muộn này còn gay go hơn là phải chịu đựng đói khát. Chàng
vui mừng thấy mình không còn tin ở Thượng đế, bởi vì chắc hẳn con người
không thể chấp nhận và chịu đựng một tình cảnh như thế này, sở dĩ người
ta cam chịu cuộc đời chỉ vì cuộc đời là vô nghĩa.