Hừm. Khó tìm được nhiều người như thế ở New York lắm đấy.
Chiếc sandwich cuối cùng. À…
Hắn quay lại với tờ báo mạng và thông báo chính thức của cảnh sát tới
công chúng. Họ hé lộ vài chi tiết nhưng không nhiều. Không nhắc gì đến
kuritsa thứ hai, có tên viết tắt VL trên lịch của Patel.
Hắn ném một chiếc khăn giấy lên mặt và chặn lại cơn ho. Hít vào, thở
ra. Chậm thôi. Cơn ho dịu đi. Giờ hắn chuyển cửa sổ sang trang chính của
một kênh truyền hình cáp lớn và nhét tai nghe vào, tăng âm lượng. Không
có gì liên quan đến vụ án trong khoảng thời gian uống hết một chai coca và
ăn khoảng một tá miếng khoai tây. Rồi bản tin của vụ án mạng và cướp của
lên sóng, do “Biên tập viên Hình sự Cấp cao Trọng án” của hãng tin giới
thiệu. Mô tả nghề nghiệp ấy làm Rostov thấy hài hước vô cùng vì cô ta chỉ
mới tầm ba mươi tuổi.
Nàng tóc vàng (rất hấp dẫn) ngồi trong phòng thu, hờ hững phỏng vấn
một người đàn ông trung niên gọn gàng trong bộ vest là thẳng tắp, áo sơ mi
trắng và đeo cà vạt. Trên đầu ông ta là mái tóc cũng gọn ghẽ như thế.
“Đến với trường quay hôm nay là Tiến sĩ Arnold Moore, nhà tâm lý
học của trường Đại học Cumberland ở Ohio, chuyên gia về hành vi tội
phạm. Xin chào Tiến sĩ. Theo cảnh sát, tên cướp đột nhập vào cửa hàng
trang sức trên phố 47 ngày hôm qua đã lấy đi vài viên kim cương nhưng để
lại một đống hàng khác trị giá hàng trăm ngàn đô la. Việc này có bất
thường không ạ, khi tội phạm lại bỏ qua những thứ giá trị như thế? “
“Cảm ơn cô, Cindi. Thật ra, những tên trộm chuyên nghiệp nhắm tới
các cửa hàng trang sức và xưởng cao cấp như của ông Patel là những tên
giỏi nhất. Chẳng có kẻ nào lại dám thực hiện một vụ cướp táo bạo như vậy
mà không có cách tối đa hoá lợi nhuận. Điều đó có nghĩa là mang đi mọi
viên kim cương hắn có thể đặt tay vào. “
“Tối đa hoá lợi nhuận. Theo cách nói của ông thì vụ cướp này chẳng
khác gì một phi vụ kinh doanh sao?”