của bệnh viện, tia laze bắt đầu đường cắt. Cậu thường phải dừng tay. Sau
khoảng một giờ, cậu lấy viên đá đang cắt dở ra, lau sạch và đặt lại nó trên
một ống cố định mới, ở một góc khác. Lại tiếp tục cắt. Thêm một lần dừng
- để quệt mồ hôi trên mặt và hai bàn tay - và trở lại với nhiệm vụ. Lại thêm
một lần đặt viên đá kiểu khác. Khoảng nửa giờ sau, hoạt động cắt và tách
ban đầu đã hoàn thành. Viên kim cương đã có dáng một hình bình hành.
MRI là viết tắt của Magnetic Resonance Imaging - Chụp cộng hưởng từ
Vimal lấy nó ra và lau sạch xi măng trên mặt, nghiên cứu nó qua kính
lúp. Phải, tốt rồi.
Giờ là lúc đánh bóng, cắt giác kim cương trên viên đá. Nhiệm vụ của
Vimal, như tất cả các nghệ nhân kim cương khác, là tối đa hóa ba chỉ tiêu
chất lượng cốt lõi của kim cương: độ sáng (sự hắt sáng khi bạn nhìn thẳng
xuống viên đá), hào quang (những tông màu cầu vồng phản chiếu ở cạnh
kim cương) và sự lấp lánh (những vệt sáng phát ra từ viên đá khi nó được
di chuyển).
Vimal ngồi trên chiếc ghế đẩu trước bàn đánh bóng, vốn là một cái
bàn vuông rộng khoảng một mét hai, đặt bên trên là bàn xoay scaife - một
mặt đĩa bằng sắt nằm ngang có thể xoay ở tốc độ 3000 vòng/phút, các thợ
cắt sẽ đưa viên kim cương mài vào vòng sắt này để tạo các mặt giác. Trên
tường có cả một cái kệ để các thanh cố định khác nhau - chính là phần giáp
để giữ chắc viên kim cương cho quy trình mài này.
Vimal chọn một thanh và đặt viên đá lên trên nó. Rồi cậu khởi động
bàn xoay, nó to gần bằng chiếc máy phát đĩa LP cũ mà cha cậu vẫn còn giữ.
Dầu, có trộn với bột kim cương, được bôi lên bàn xoay, hai chân trụ của
thanh cố định đặt trên bàn làm việc, cậu bắt đầu ấn viên kim cương xuống
mặt bàn xoay trong một hai giây, vừa làm vừa nhấc lên để theo dõi quá
trình qua một chiếc kính lúp, và tiếp tục mài. Dần dần các mặt giác xuất
hiện, đầu tiên là ở phần đai - bên cạnh - rồi đến mặt vương miện và mặt
chóp, phần đỉnh và đáy của một viên kim cương.