“Luộc đi,” một người khác nói.
Vimal mang viên đá tới bàn rửa, ở đó cậu luộc nó trong axit để loại bỏ
xi măng, dầu, bụi và các vật chất khác bám vào viên kim cương.
Đây có thể là khoảng thời gian rất căng thẳng. Bạn có thể nghĩ là viên
đá của mình đã được cắt hoàn hảo - chỉ đến lúc này mới phát hiện ra xi
măng hay dầu đã che mất một lỗi lầm nào đó. Vimal thì không bao giờ lo
ngại về điều này. Ồ, trong khoảng tám năm cắt kim cương của mình, cậu đã
từng phạm lỗi. Đã làm hỏng vài viên đá (và bị ông Patel hay cha cậu quát
mắng). Nhưng cậu sẽ biết ngay lập tức khi việc cưa xẻ hoặc đánh bóng có
trục trặc gì. Viên đá này không có một lỗi nào hết. Nó hoàn hảo hết mức có
thể. Các lỗi tệ nhất nằm ở những phần đá đã bị cắt bỏ (còn phần lỗi ở lại
nằm ở lõi của viên kim cương và vô hình trước con mắt của cả những
người tinh tường nhất). Các mặt giác đều sắc bén và đối xứng. Các tiêu chí
về độ sáng, hào quang và lấp lánh đều hoàn hảo.
Cậu cầm viên đá hoàn chỉnh bằng chiếc nhíp gắp và nhìn khắp lượt nó
một lần nữa - lần này không phải để đánh giá mà chỉ đơn giản là ngưỡng
mộ nó.
Vimal Lahori đã khám phá và giải thoát linh hồn của viên đá này.
Trong lúc ngắm viên đá thành phẩm, chú ý đến màu sắc phản chiếu và
ánh sáng trắng từ nó, cậu bỗng đau buồn khôn xiết vì ông Patel đã không
còn sống để chứng kiến thành quả của cậu.
Đúng lúc ấy, ông Nouri bước vào xưởng - hai thợ cắt đã đi tìm ông ta.
Người đàn ông bụng phệ với nước da tai tái mỉm cười với Vimal và đón cái
nhíp từ tay cậu. Ông ta hạ kính lúp xuống xem xét. Ông lẩm bẩm điều gì
bằng tiếng Hindi, một ngôn ngữ Vimal không rành. Khuôn mặt ông ta tỏ ra
kinh ngạc.
“Cậu đã không mài phẳng mặt sau.” Phần cuối cùng của chóp nón.
Chúng thường là các mặt phẳng bo tròn để tạo ra viên đá chắc chắn hơn, ít
nguy cơ bị mẻ hơn. Mặc dù vậy, mặt sau phẳng cũng thường làm viên kim
cương tối đi. (Vimal tin rằng viên đá Koh-i-Noor lừng danh đã bị hủy hoại