bên ông già hàng tiếng đồng hồ, xem bàn tay ông cuộn quanh thanh cố
định, ấn một viên kim cương vào bàn xoay như thôi miên.
Chính ở đó cậu bé Vimal đã quyết định cậu sinh ra là để biến đá thành
một cái gì khác.
Dù không chính xác như những gì cha cậu dự định.
Dada đã nghĩ gì về khao khát từ bỏ thế giới cắt mài kim cương để trở
thành một thợ điêu khắc của Vimal? Cậu có cảm nhận là chắc ông sẽ không
phiền cho lắm. Rốt cuộc, chính ông là người đã dám mạo hiểm - thực hiện
một bước nhảy vọt khi mang toàn bộ gia đình mình tới một đất nước mới
mẻ và có khi còn thù địch.
Tổ tiên bên phía mẹ Vimal không được truyền lại rõ ràng như vậy,
không phải vì Papa không thèm ghi chép lịch sử của một người đàn bà (à,
cũng không hẳn là sai) mà vì bà đã là đời thứ sáu sinh ra ở Mỹ, và tổ tiên bà
tới từ New Dehli - Đại Thủ đô với hơn bốn mươi triệu dân, một nơi rất
khác biệt so với Kashmir. Mẹ cậu đã hoàn toàn bị Tây hoá. Tổ tiên của bà
giống một nồi lẩu thập cẩm, thứ này một chút, thứ kia một chút. Gốc gác
gia đình bà bao gồm các cuộc hôn phối đa dạng, li hôn, và một hai người
đồng tính nữa. Tất cả những điều này củng cố thêm trong lòng bà một niềm
cảm kích - chứ không phải là sùng bái - nền văn hoá Hindu, và chủ ý đóng
một vai trò im lặng, dù về cơ bản không phải là quỵ luỵ, trong cuộc hôn
nhân của mình.
Vimal bật chiếc đèn làm việc của cậu bên trên ghế băng. Cậu quan sát
tỉ mỉ món đồ cậu đang làm. Nó rất đơn giản, được khắc từ một mẩu đá cẩm
thạch lớn, màu trắng ngà, đến từ Venezuela: một ngọn sóng ở đỉnh cao nhất
của nó sắp sửa cuộn và đổ sập xuống. Gần đây, cậu trở nên ham thích với ý
tưởng tái tạo lại các chất liệu và cử động không-phải-là-đá trên đá: gỗ, hơi
nước, tóc, và - như với tác phẩm này - cả nước. Cậu muốn làm nước vì
Michelangelo đã bỏ qua sóng khi ông tạc bức tượng Poseidon đang ngồi.
Vimal hi vọng mình có thể vượt qua bậc kỳ tài.