hăng hái này vừa mới có cuộc điện thoại trước đó vài giờ. Sự phản đối của
bà với việc con gái hẹn hò một người bị liệt đã nhạt đi từ nhiều năm trước
và giờ bà với Rhyme đã là bạn tốt. Anh không thể đòi hỏi một bà mẹ vợ
nào tốt hơn thế.
Nhưng câu chuyện chưa hết. Rhyme biết rằng có thể đúng là Sachs
đến nhà mẹ - ở Brooklyn - nhưng trước đó cô sẽ ra đường đã. Cô sẽ nhảy
lên chiếc Torino của mình và tìm một con đường thích hợp, ở ngoại ô, để
chạy xe lên tới 130 hay 140 ki-lô-mét trên giờ.
Đây là nỗ lực để cô rũ bỏ mọi cảm giác còn đọng lại từ hiện trường.
Thứ mà làn nước đã không thể gột rửa được: nỗi kinh hoàng tột độ mà chắc
chắn cô đã phải trải qua.
Nếu có điều gì làm cô phân tâm được thì đó sẽ là hành động giảm ga
trong một nốt nhạc, từ số bốn xuống số hai, rồi lao vào một đường thẳng và
đẩy động cơ máy đang gào rú cho nấc kim tốc độ trên bảng điều khiển nhảy
lên tận chỗ ba con số.
Rhyme biết và chấp nhận không chút do dự rằng cô là kiểu người
thích mạo hiểm. Nhưng tốc độ chỉ là một trò tiêu khiển chứ không phải
phương thuốc.
“Sachs?” anh hỏi. Và anh nói bằng tông giọng chắc chắn, rất hiếm khi
anh sử dụng tông giọng này. Cô sẽ hiểu: đó là một lời mời nói chuyện với
anh về việc đã xảy ra ở công trường. Anh sẽ không đưa ra lời khuyên, thậm
chí không cả an ủi. Anh chỉ cho cô cơ hội nói chuyện thôi.
Nhưng lời mời đã bị từ chối.
Amelia Sachs chỉ nói. “Chúc ngủ ngon. Hẹn gặp lại sáng mai.” Cô nói
điều này với tất cả mọi người.
Pulaski và Cooper ra về. Ackroyd cũng mặc áo mưa vào. Rhyme nhận
thấy ông ta có vẻ ngập ngừng chưa muốn về.
Bằng giọng nhẹ nhàng, người Anh nói, “Chẳng liên quan gì đến tôi.
Nhưng mà… cô ấy không sao chứ?”