Nghĩ về những chuyện sắp tới, Vimal Lahori buồn rười rượi, cậu sợ
hãi.
Nhưng những cảm xúc này vẫn nhẹ hơn niềm vui sướng trong cậu, và
cậu biết mình đang làm điều đúng đắn. Cậu bật điện thoại lên và nhắn cho
mẹ là cậu yêu bà. Và cậu nhắn cho em trai là cậu cũng yêu nó, cậu sẽ liên
lạc lại từ một nơi bên ngoài thành phố.
Sau đó, cậu mua một lon soda - Coca vị Anh đào cỡ lớn, một niềm vui
bí mật (cha cậu không bao giờ cho phép cậu dùng bất cứ loại đồ uống có
caffeine nào vì ông tin nó sẽ khiến bàn tay con trai ông bị run, dẫn đến các
lỗi trên mặt giác kim cương). Vimal cũng mua một miếng pizza nữa. Cậu
đứng cạnh một cái bàn bẩn thỉu, vừa ăn vừa uống. Ở đây không có ghế cho
khách. Cậu đoán là để tăng doanh thu trong “phòng ăn”.
Cậu nhìn vào thứ tóm gọn toàn bộ hành lý của cậu - một cái túi vải mà
cậu mua với giá một đô la ở cửa hàng tạp hóa. Và cậu lấy ra thứ mang lại
niềm an ủi cho cậu gần bằng bến Cảng Vụ này.
Cuốn Sách. Một cuốn sách thần thánh. Nó là thứ cậu tìm đến nhiều
nhất, một thứ an ủi cậu, không bao giờ thôi làm cậu ngạc nhiên.
Tuyển tập các phác thảo của Michelangelo được in từ nhiều năm
trước, vào nửa đầu thế kỷ trước. Vimal coi nghệ sĩ bậc thầy này là thợ điêu
khắc vĩ đại nhất từng sống, vì niềm đam mê của chính cậu, chuyện Vimal bị
hút về phía ông và nghệ thuật của ông là điều dễ hiểu. Người nghệ sĩ này là
vị thần của Vimal. Ồ, cậu vẫn yêu nhạc pop, manga và hẳn sẽ yêu thích cả
những chương trình truyền hình dài tập, nếu cha cậu cho phép cậu xem
nhiều hơn. Nhưng cậu yêu Michelangelo, và trong những giây phút hiếm
hoi (thường là sau một chầu rượu) mà di sản văn hóa tín ngưỡng của tổ tiên
cậu trở nên hợp tình hợp lí, Vimal mường tượng rằng linh hồn của nhà điêu
khắc thời cổ này - hay ít nhất là một phần của nó - đang trú ngụ chính bên
trong con người cậu.
Tất nhiên, Michelangelo là một con người phi thường. Ông mới chưa
đầy ba mươi khi tạc bức David (Vua David) và Pietà (Đức Mẹ sầu bi).