giết người, và cuộc Di dân bởi Papa thường xuyên thuyết giáo cho cậu và
Sunny về chúng. Papa đã ở Mỹ khi Di dân xảy ra nhưng nhiều người thân
của ông đã phải bỏ nhà bỏ cửa, vứt lại tất cả phía sau để tái định cư ở Ấn
Độ - trong khu đô thị chen chúc, ô nhiễm ngoài rìa thủ đô Delhi. Vài ông
chú bà cô lớn tuổi đã phải chết sớm bởi việc tái định cư này, Papa chắc
chắn như vậy.
Papa cậu nuôi dưỡng một nỗi hiềm thù sâu sắc, không ngừng nghỉ với
toàn bộ người Hồi giáo nói chung.
Với cả Adeela Badour chẳng hạn - nếu ông biết về cô.
Việc gia đình Badour đã sống ở đây qua nhiều thế hệ hơn cả gia đình
Papa không thành vấn đề, cả chuyện tổ tiên họ không dính líu gì đến đám
người cực đoan ở thung lũng cũng vậy, hay chuyện tín ngưỡng của họ ôn
hòa và thế giới quan cũng trần tục. Cha của Vimal cũng không bận tâm đến
chuyện chính người Hồi giáo ở Ấn Độ đang phải chịu sự đàn áp dưới bàn
tay của người Hindu chiếm đa số.
Không, không thành vấn đề gì hết.
Điều nực cười ở chỗ: Rốt cuộc cha cậu cũng đã phải miễn cưỡng từ bỏ
quyết tâm áp đặt hôn nhân cho hai người con trai; Vimal có thể kết hôn với
bất kỳ cô gái Hindu nào mà cậu chọn (dù Papa thường nhắc nhở cậu rằng
Akbar Vĩ đại, vị vua nổi tiếng nhất của Đế chế Mughal và các cận thần của
ngài gần như đều ưa chuộng phụ nữ Kashmir làm vợ và người tình hơn -
phải, cha cậu thực sự đã nói vậy - bởi vẻ đẹp của họ.)
Có thể, về lâu về dài, cùng với thật nhiều sự vận động của mẹ cậu, cha
Vimal sẽ chấp nhận ai đó không phải người Hindu.
Nhưng người Hồi giáo ư?
Không bao giờ.
Nhưng người đã chiếm trọn trái tim của Vimal lại chính là một cô gái
đạo Hồi, người vừa nhấp nháp trà ở làng Greenwich vừa xem bức tranh vẽ
trái tim ấy.