sau cạo râu rẻ tiền. “Còn anh? Anh cũng không phải Vladimir Rostov, tôi
cho là vậy.”
“Không, không.” Người Nga cười lớn. “Quá nhiều tên tuổi chết tiệt
trong tuần vừa rồi… Giờ tôi là Alexander Petrovich. Tôi đã là Josef
Dobyns khi hạ cánh. Giờ là Petrovich. Tôi thích tên đó hơn. Dobyns nghe
như Do Thái. Ông có thích Alexander không? Tôi thích. Đó là cái hộ chiếu
duy nhất mà thằng khốn ở bãi biển Brighton có. Chém tôi cả đống tiền. Tôi
thích bãi biển Brighton. Ông tới đó bao giờ chưa?”
Trong giới an ninh của ngành kim cương, Rostov được biết đến như
một gã hoang dại, và cũng hơi điên điên. Vụ lảm nhảm này là điển hình.
“Anh biết đấy, Via…”
“Alexander.”
“.. .Tôi không đến đây để thăm quan.”
“Ha, không, chúng ta không phải khách du lịch, ông và tôi.”
Krueger đã cảm thấy thoải mái hơn. Lão đã vượt qua cơn sốc của việc
bị Rostov lén lút theo dõi, mặc dù lão đã biết chẳng sớm thì muộn hắn cũng
xuất hiện. Lão cũng thấy dễ chịu hơn vì không phải dùng đến giọng Anh
nữa. Việc đó mỗi lúc mỗi mệt mỏi. Thực ra, lão là người Nam Phi, và tông
giọng tự nhiên của lão là của một người Châu Phi nói tiếng Anh. Lão đã
phải hết sức cẩn thận mỗi lần nói chuyện với Lincoln Rhyme, Amelia
Sachs và những người khác, vật lộn để giữ đúng giọng Anh trịch thượng.
Hết lớp mặt nạ này đến lớp mặt nạ khác… tuần vừa qua thật đáng nhớ.
Chính Andrew Krueger mới là thủ phạm thật sự chứ không phải
Vladimir Rostov, kẻ mà cảnh sát đặt biệt danh Nghi phạm 47: lão là người
đã giết chết Jatin Patel và Saul Weintraub, cũng là kẻ đã lươn lẹo len được
vào cuộc điều tra của cảnh sát dưới danh nghĩa Edward Ackroyd.
Krueger đã chết điếng khi “Người hứa hẹn” xuất hiện, nhái lại vai diễn
của Krueger, từ mặt nạ trượt tuyết, găng tay cho đến con dao rọc giấy.
Không mất nhiều thời gian, lão đã nhận ra kẻ đó có thể là Rostov. Hắn,
hoặc ông chủ của hắn ở Moscow chắc đã bẻ khoá máy tính, điện thoại của