Cô giở các trang khác trong cuốn lịch ngày. Cùng những ghi chú khác
của hàng trăm cuộc gặp và các đơn hàng trong tháng vừa qua, có hai lần
gợi nhắc tới những cuộc hẹn với S trong vòng 10 ngày nay. VL cũng xuất
hiện thường xuyên, ba tới bốn lần một tuần. Nên VL có thể là một nhân
viên hay cộng sự; điều đó có nghĩa là anh ta sẽ biết mã số cửa và có thể
bước vào giữa vụ cướp, làm tên cướp bị bất ngờ và bắn anh ta.
Các anh là ai? S? Và VL?
Và các anh đang ở đâu?
Rồi một ý nghĩ hiện lên.
Nếu anh ta chính là người bước vào giữa vụ cướp, bị bắn và bỏ
chạy… làm thế nào anh ta thoát được?
Thủ phạm đã bắn anh ta. Nhưng sau đó hẳn là hắn đã đuổi theo người
đàn ông ngay lập tức. Cứ cho hắn mất năm tới sáu giây để bước qua các
xác chết và tránh trượt chân trong vũng máu, tên sát nhân vẫn có nhiều cơ
hội đuổi kịp nhân chứng vừa bỏ chạy.
Sachs quan sát hành lang một lần nữa. Cô giả định tên sát nhân đã đi
vào qua thang máy, đặc biệt là vì hắn đã xịt sơn lên camera ngay bên ngoài
nó. Hoặc có lẽ hắn đã đi thang bộ, cạnh bên thang máy.
Nhưng trên tầng này còn một cánh cửa khác, cạnh văn phòng Patel,
một lối thoát hiểm. Sachs đã để ý đến nó nhưng cũng chú ý cả tấm biển ghi:
Thang thoát hiểm khi cháy. Chuông báo động sẽ reo khi cửa mở.
Vì không có ai trong toà nhà này nói rằng đã nghe thấy tiếng chuông
và cửa vẫn đóng, cô cho rằng thủ phạm đã không dùng đến nó. Và hắn
cũng không nghĩ rằng VL đã thoát theo lối này.
Địa điểm thực sự của một án mạng, hay vụ cướp là hiện trường chính
nhưng tất nhiên vẫn còn những nơi khác. Thủ phạm phải đi vào, thoát ra từ
đâu đó và mỗi một hiện trường thứ hai này đều có thể là nguồn gốc của các
bằng chứng luận tội thú vị. Thực tế, những hiện trường này thường đem lại
nhiều manh mối hữu ích hơn cả hiện trường chính, vì thủ phạm thường
thong thả hơn trên đường tới hiện trường và bất cẩn hơn khi chạy khỏi đó.