như ngay lập tức, cậu nhớ lại, bất chấp thực tế cha cậu đã phải viết hoa
từng chữ cái một.
Cậu cũng để ý thấy trong số tất cả những lời nhận xét có thể có, cha
cậu chẳng nói lời nào về cái chết của ông Patel hay về vụ cướp, mà đòi
được biết danh tính người bạn của Vimal. Tất nhiên là chẳng có bạn bè nào
ở đây. Cậu không quen ai đủ thân để ở nhờ, trong trường hợp này thì càng
không. Dòng nhắn ấy đơn giản chỉ là để cha cậu - hay đúng hơn là mẹ và
em cậu - đỡ lo mà thôi.
Tâm trí cậu lại hiện ra hình ảnh bàn chân của ông Patel. Cậu nhắm
chặt hai mí mắt vào nhau như thể cách ấy sẽ làm hình ảnh kia biến đi,
nhưng nó chỉ càng sống động hơn. Kinh hoàng hơn.
Cậu bật khóc lặng lẽ, quay lưng lại đám đông. Cuối cùng cậu cũng
kìm được nước mắt, thấm khô mặt và hít một hơi thật sâu.
Khi ấy một ý nghĩ chợt đến; cậu nhớ lại một điều khác về tên sát nhân.
Gã đàn ông ấy có một chiếc cặp táp, loại cũ, kiểu mà gần đây ta không còn
bắt gặp nhiều nữa. Hắn đã mang nó trong lúc đi vào phòng chờ của cửa
hàng, khi trông thấy Vimal. Cậu hồi tưởng lại, có lẽ chiếc cặp chính là lí do
cậu vẫn còn sống. Tên cướp đang cầm nó bằng tay phải. Hắn đã phải thả nó
xuống để lôi khẩu súng ra khỏi túi quần, cho Vimal một giây - dù chỉ là một
phản xạ - để xoay người và giơ hai tay lên. Khi gã đàn ông nổ súng, viên
đạn bắn trúng mấy viên đá chứ không phải ngực cậu.
Một người đàn ông mang chiếc cặp táp như thế có thể dễ bị nhận diện.
Vimal sẽ gọi 911 lần nữa và cho họ biết. Cảnh sát ở khắp khu Midtown có
thể lùng tìm hắn.
Cậu đứng dậy và đi về phía quầy điện thoại trả tiền. Cậu biết rằng
ngay khi mình gọi điện, ai đó trong sở NYPD sẽ báo động cho các cảnh sát
ở đây - cậu đang trông thấy khoảng năm sáu người - và báo cáo rằng có
người biết về vụ cướp đang ở Cảng Vụ. Cậu sẽ phải bỏ đi ngay lập tức sau
khi cúp máy.
Chính vào lúc ấy cậu cảm nhận, hơn là trông thấy, ai đó đang tiến lại.