Lưu Triệt thấy tôn nghiêm của Đại Hán bị mạo phạm nghiêm trọng thì
vô cùng giận giữ, muốn phát binh chinh phạt. Cuối cùng bị thừa tướng Lý
Thái can ngăn, nói tộc Côn Minh sinh sống ở vùng sông nước, giỏi thủy
chiến còn quân Hán lại chỉ quen đánh trên bộ, cho dù có thể chinh phạt
được thì cũng sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng. Lúc đó văn võ bá quan đều
cảm thấy triều đình đã hao tốn quá nhiều nhân lực vật lực chỉ vì một kiến
nghị mang hy vọng xa vời của Trương Khiên, tính ra được không bằng mất,
nhưng vì bệ hạ cương quyết độc đoán nên chẳng ai dám nói ra.
Buổi tối, Lưu Triệt về đến cung Trường Môn vẫn còn chưa hết tức giận,
oán hận nói, “Trẫm chấp chính suốt bao năm, ngay cả Hung Nô hung hãn
thiện chiến cũng còn phá được, chẳng lẽ lại không đối phó được một tộc
Côn Minh nho nhỏ đó sao?”
A Kiều vừa nghe đã biết thứ mà Lưu Triệt đang khổ sở tìm kiếm về sau
này chính là con đường tơ lụa phương nam, thông từ đất Thục tới Thân
Độc. Nếu việc này thành công sớm, khai thông ngoại thương thì sẽ có lợi
rất lớn cho Đại Hán, khó trách tại sao Tang Hoằng Dương lại nhiệt tình với
chuyện này như thế.
Mặc dù triều Hán không có lệ quy định hậu cung không được tham gia
chính sự nhưng A Kiều biết chư vị hoàng đế Tây Hán kiêng kỵ với chuyện
họ Lữ loạn quyền trước kia nên nàng không tiện đề cập tới mà chỉ nói
chung chung, “Bệ hạ nhất định sẽ có biện pháp.”
Ngày hôm sau, Lưu Triệt triệu kiến Trường Bình hầu Vệ Thanh, Trường
Tín hầu Liễu Duệ và cả Quan Quân hầu Hoắc Khứ Bệnh tới điện Tuyên
Thất để thảo luận về chuyện huấn luyện thủy quân.
“Cũng không phải không thể”, Vệ Thanh lộ vẻ băn khoăn, “Chỉ là huấn
luyện thủy quân phải có sông hồ chứa được ngàn vạn người, nhưng hình
như gần Trường An không có chỗ nào thích hợp.”